04/05/2011

Di tích cửa biển Thần Phù

Vị trí
Di tích Thần Phù là một địa danh xưa, khá nổi tiếng. Đó là cửa sông Chính Đại đổ ra biển, vốn là một cửa biển cũ thuộc xứ Thanh Hóa nay thuộc địa bàn xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Cửa này xưa có tên là Thần Đầu, đời Trần gọi là Thần Phù. Ngày nay khu vực này đã nằm sâu trong đất liền, thuộc lưu vực sông Càn. Cửa nằm trên vách đá có khắc chữ "Thần" lớn hướng ra biển, phía dưới là khu vực người hành hương có thể thăm viếng.

Truyền thuyết kể rằng, vua Hùng mang quân đi Nam chinh qua vùng cửa biển Thần Phù gặp gió to, sóng dữ, không đi được, may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi ban sự trở về, đạo sĩ đã mất ở dọc đường. Vua Hùng cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân” (người dẹp yên được sóng dữ). Hiện nay đền thờ và những di chứng khác vẫn còn ở thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Cửa Thần Phù nổi tiếng trong lịch sử là là nơi linh thiêng, hiểm trở, luôn có sóng to gió lớn nguy hiểm, thường hay lật thuyền bè qua lại. Ai đi qua cũng phải cúng tế Thủy thần. Ca dao xưa có câu: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù; Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Từ việc chèo lái con thuyền qua cửa Thần phù là nơi có dòng nước xoáy rất nguy hiểm, câu ca dẫn đến việc phải chèo lái con thuyền cuộc đời qua cửa biển trần gian. Từ chỗ chèo lái đi đến việc tu thân tích đức. Theo chữ nho thì tu có nghĩa là sửa, còn tu thân là sửa mình. Ở đâu mà không phải sửa mình, vì nhân vô thập toàn, nếu còn khuyết điểm thì còn phải sửa.

Một số sự kiện liên quan đến cửa Thần Phù:
- Theo thư tịch cổ, tháng 11 năm 43, sau khi tiêu diệt xong lực lượng kháng chiến của Hai Bà Trưng, Mã Viện trực tiếp chỉ huy 20.000 quân cùng 2.000 tàu thuyền lớn nhỏ tiến vào Cửu Chân (Thanh Hoá) tiến đánh lực lượng kháng chiến của lão tướng Đông Dương bằng hai đường thuỷ, bộ. Cánh quân bộ bị chặn đứng lại trước núi rừng vùng Tam Điệp ngày nay. Cánh quân thuỷ bị chao đảo trước sóng to, gió lớn của biển Thần Đầu (Thần Phù). Mã Viện phải sai quân đào sông qua dãy núi đá vùng này mà thư tịch cổ gọi là Tạc Khẩu.
- Vào cuối thế kỷ thứ X, khi Đinh Tiên Hoàng vừa mới mất (năm 979), tên phản thần Ngô Nhật Khánh cùng quân Chiêm Thành tiến ra Hoa Lư đánh tiêu diệt triều nhà Đinh, nhưng vừa tới cửa cửa Thần Phù thì bị gió bão đánh chìm. Nhật Khánh chết đuối, chúa Chiêm may mắn thoát nạn.

Thi hào Nguyễn Trãi có bài thơ chữ Hán Quá Thần Phù hải khẩu, bản dịch như sau:

Thần Phù qua đó lúc đêm khuya
Gió mát trăng thanh cảnh tuyệt kỳ
Măng vút nghìn đầu, non dựng đứng
Rắn bò một giải, nước quanh đi
Non sông như cũ đâu hào kiệt
Trời  đất vô tình lắm biến di
Hồ Việt mừng nay về một cõi
Biển khơi tăm ngạc bặt im kỳ
(Bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi)

Hiện trạng
Ngày nay, cửa Thần Phù không còn nữa, nó đã bị lấp cạn dần và lùi sâu vào trong đất liền, bên trong phần đất của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nhưng địa danh xưa thì vẫn còn được nhắc đến.