04/05/2011

Áp lãng chân nhân La Viện

La Viện là một đạo sĩ lừng danh sống ở thời nhà Lý, không rõ năm sinh, năm mất, quê xã Nhuệ Trại, huyện Thuần Kính, Thanh Hóa (nay là huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá).

Khi vua nam chinh, thuyền qua cửa biển Thần Phù bị trở gió, phải ở lại đấy hơn một tháng. Khi nhà vua trai giới, khiến ông ngồi thuyền đi trước. Ông phụng mạng lên đường, bể lại lặng sóng. Vua hạ chiếu phong ông làm “Áp Lãng chân nhân” rồi lập đền thờ ở phía Nam cửa biển Thần Phù, lưu một toán quân đã theo ông đánh giặc ở lại đấy phụng thờ. Nay con cháu của các quân lính ở lại thờ phụng tại các thôn Nhân Phẩm, Phù Sa và Anh Tốt, thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Nguyên tác truyện "Áp Lãng chân nhân" của  Hồ Nguyên Trừng trong tác phẩm "Nam Ông mộng lục".
Đời Tống Nhân Tông, vua nhà Lý nước An Nam tự mang quân thuyền đi đánh Chiêm Thành. Khi tới cửa biển Thần Đầu, sóng gió nổi lên hết ngày này sang ngày khác, không thể vượt biển được. Vua nghe nói ở núi gần đấy có người đạo sĩ, một mình sống trong am, bèn cho vời đến để khấn cầu. Đạo sĩ nói:
- Vua tự có phúc lực, thần cam đoan muôn một không có gì đáng lo. Ngày mai cứ việc lên đường chớ sinh lòng nghi ngại!
Nửa đêm trời dừng gió. Sáng sớm khi ra tới ngoài biển, nhìn xa thấy sóng cao như núi, nhưng đoàn thuyền đi đến đâu thì sóng gió yên lặng đến đó. Bấy giờ lại thấy vị đạo sĩ đang bước đi trên mặt sóng, lúc ở đằng trước, lúc ở đằng sau, trông rất rõ ràng, song người không thể đến gần được thôi.
Ngày quân trở về đến núi Thần Đầu, đạo sĩ ra nghênh tiếp. Vua mừng và úy lạo. Đạo sĩ nói:
- Thần biết nhà vua phúc dày, không có gì đáng lo, ấy là nhờ thần linh giúp đỡ, chứ không phải hạ thần này có tài cán gì.
Vua càng lấy làm lạ, phong cho hiệu “Chân nhân đè sóng”. Lại ban thưởng rất nhiều vàng lụa, nhưng đạo sĩ không nhận. Sau đó đạo sĩ vào núi rồi không biết đi đâu. Hỏi người trong làng, họ đều nói:
- Đạo sĩ từ dạo ấy đi hái thuốc lâu nay không thấy ở am.

Chân nhân họ La, không rõ tên, người ta đều dùng hiệu “Áp lãng chân nhân” để gọi. Từ thuở tuổi xanh đã bỏ vợ con để đi vào đạo. Trong số con cháu đời sau của Chân nhân có La Tu thi đỗ Tiến sĩ, làm quan thời Trần Nghệ Vương đến chức Thẩm hình viện sứ, rồi mất. Người này chính tôi (*) quen biết.
Hồ Nguyên Trừng (*) .