06/05/2011

Nghiên cứu lịch sử dòng họ là yêu cầu tất yếu

Dòng họ là một hiện tượng Lịch sử - Xã hội đặc biệt mang tính phổ quát của nhân loại. Ý thức về dòng họ là dấu hiệu quan trọng đánh dấu bước phát triển của xã hội loài người từ mông muội đến văn minh. Dòng họ có từ trước khi xã hội phân chia thành giai cấp và một khi Nhà nước đã tiêu vong, thì dòng họ với tư cách là sự liên tục giữa ông cha và con cháu vẫn tồn tại.

Nói về dòng họ, người Trung Hoa từ thời cổ đại đã có 2 từ khác nhau là Tính và Thị. Tính là ký hiệu nói rõ một gia tộc đã sản sinh ra một con người nào đó. Bộ từ điển cổ nhất tương đối hoàn chỉnh là Thuyết văn giải tự hoàn thành vào năm 1000 sau Công Nguyên giải thích về chữ Tính như sau: “Nhân sinh dĩ vi tính, tòng nữ sinh”.

     Mọi người đều biết, thời cổ đại xa xưa, loài người đã trải qua chế độ thị tộc mẫu hệ , trong đó chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn. cả một tốp những người nam cùng lứa tuổi của thị tộc A được đưa đến thị tộc B làm chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa, con đẻ ra tất nhiên không biết bố mà chỉ sống với mẹ. Đó chính là nguyên nhân việc tạo ra chữ Tính bằng cách ghép chữ Nữ với chữ Sinh.
     Rất nhiều họ thời cổ đại ghi lại trong Thuyết văn giải tự đều viết với bộ Nữ như họ Khương được chú thích là họ của Thần Nông, đẻ ra ở Khương Thủy. Họ Cơ được chú thích là họ của Hoàng Đế, đẻ ra ở Cơ Thủy. Họ Diêu được chú thích là họ của Ngu Thuấn, đẻ ra ở Diêu Khư … và nhiều họ khác như họ Cất, họ Vân, họ Hào, họ Doanh…. Đó là những minh chứng cho thấy Tính (Họ) khởi nguồn từ xã hội mẫu hệ.
     Nói rằng “họ” là sản phẩm của xã hội mẫu hệ không có nghĩa là tất cả các “họ” đều có từ xã hội thị tộc mẫu hệ, xã hội phát triển thì “họ” cũng phát triển. Sau khi xã hội phụ hệ thay thế cho xã hội mẫu hệ, con cháu sinh sôi ngày một đông, một thị tộc chia thành nhiều chi, thì thường thường các con cháu có thể phân hóa thành nhiều họ.

Nếu như Tính bắt nguồn từ xã hội mẫu hệ thì Thị lại là sản phẩm của xã hội phụ hệ. Nhân loại từ bầy người nguyên thủy sang xã hội mẫu hệ là một bước phát triển lớn khiến chất lượng nhân khẩu được nâng cao đáng kể. Từ xã hội mẫu hệ phát triển sang xã hội phụ hệ, chế độ hôn nhân càng chặt chẽ hơn, con cháu ngày một sinh sôi nhiều hơn, sau khi những thế hệ con cháu độc lập thành những chi phái riêng, mỗi chi phái có ký hiệu riêng của mình, đó là Thị. Sau khi ra đời xã hội có giai cấp thì Thị chẳng những là ký hiệu phân nhánh của Tính mà còn là tiêu chí khu biệt địa vị thân phận của người đàn ông.
Sách Bạch hổ thông cho biết: Đặt ra thị để là gì ? Là để “quý công đức, tiện kỷ lực” hoặc là lấy chức quan là “họ”, hoặc lấy nghề nghiệp làm “họ”…con của bậc vương giả thì gọi là vương tử, cháu của bậc vương giả thì gọi là vương tôn, con của chư hầu thì gọi là công tử, con của công tử là công tôn. Các con của công tôn thì lấy tên tự của bố là Thị.

Phát triển đến đời Thương đời Chu, khanh đại phu có ấp phong thì lấy tên ấp phong làm họ hoặc lấy thụy hiệu của bố làm họ. Thế là dần hình thành một sơ đồ đẳng cấp trong quan hệ "Tính Thị": Trong nội bộ giai cấp quý tộc phân biệt cao thấp, người bình dân thì chỉ có Tính mà không có Thị, còn nô lệ thì chỉ có tên mà thôi. bởi thế quý tộc tiêu Tần , đàn ông gọi Thị, đàn bà gọi Tính. Sách vở gọi đó là: ”Tính biệt hôn nhân. Thị biệt quý tiện” nghĩa là Tính thì phân biệt huyết thống hôn nhân, Thị phân biệt sang hèn.
     Rất nhiều Thị bắt nguồn từ quan chức hay nghề nghiệp như Chúc Thị bắt nguồn từ chức sử là quan chép sử. Cung Thị bắt nguồn từ nghề chế cung nỏ.
     Lấy địa danh đất phong hoặc nơi cư trú làm họ (Thị) thì “họ” đều viết chữ có bộ ấp (tức là thành ấp) như các họ Uất, Dung, Đặng, Văn, Thuấn, Chí, Trịnh, Chu, Viêm, Ngạc, Trâu… hoặc bộ phụ như: Trần, Đào, Nguyễn, Hiệp, Lục, Thấp, Hình, Ngỗi. Lăng, Âm…
     Người xưa thường làm nhà tựa lưng vào vách núi, nhiều họ viết bằng bộ Thủy : Tất, Tảo, Kỳ, Phủ, Hoài, Cam, Trạm, Phan, Bộc, Tế, trí, Cấp, Tự….
     Ngày nay, các họ ở Trung Quốc có họ là Tính có họ là Thị ở thời cổ xưa. Nay không còn phân biệt Tính và Thị nữa. Việc xóa bỏ sự phân biệt Tính Thị xảy ra sau thời Tần.

Người Trung Quốc rất coi trọng “họ”, một phần quan trọng là do ảnh hưởng tư tưởng “kính tông pháp tổ” của Nho gia. Đổi họ có nghĩa là thay đổi tổ tông, đó là điều sỉ nhục lớn nhất. Cho nên viết sai họ của đối phương được coi là một sự xúc phạm.

Ý thức về dòng họ gắn liền với ý thức về tổ tông, theo sự nghiên cứu của các học giả về văn tự giáp cốt thì chữ Tổ thoạt đầu không có bộ thị, viết tựa như chữ Thà sau này. Còn trong kim văn sơ kỳ thì là chữ tượng hình, cái hình của bộ phận sinh dục nam tính, tượng trưng cho khái niệm tổ tiên, gắn liền ý thức sùng bái vai trò trọng yếu của người bố trong việc diện tục huyết thống của gia tộc, của dòng họ.
      Ở Trung Quốc có “họ” đơn (một âm tiết), lại có “họ” kép (hai âm tiết) như Âu Dương, Tư Mã, Tây Môn, Đông Quách, Đông Môn, Công Tôn, Công Dương, Bách Lý, Thuần Vu, Thiền Vu… Bảng “Bách gia tính” của Trung Quốc hiện nay cho một tổng số 926 họ.
      Về các dòng họ ở Hàn Quốc, nhiều học giả căn cứ vào sự ghi chép trong Tam Quốc sử ký và Tam Quốc di sự, cho rằng trong 6 họ : Lý, Thôi, Tôn, Trịnh, Bùi, Tiết do đời vua thứ 3 của Sin-La là Nho Lý Vương ban cho 6 bộ thôn (năm 32 sau CN) là thủy tổ của các họ ở Hàn Quốc. Còn ông Tô Tinh Hựu, Chủ tịch Hội Tộc phả họ Hàn Quốc thì cho rằng lịch sử các dòng họ ở Hàn Quốc phải đẩy lên sớm hơn rất nhiều thời thượng cồ. Hiện nay ở Hàn Quốc có cả thảy 274 họ, chia ra làm 3435 chi phái.
      Nước Anh có khoảng 16.000 họ
      Nhật Bản nhiều họ nhất với 100.000 họ, nhiều nhất thế giới (một tỉ dân Trung Quốcthì chỉ có khoảng đến 1.000 họ).
     Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác các dòng họ ở Việt Nam. P.Gourou (1930) nói ở đồng bằng Bắc bộ có 202 dòng họ. Dạ Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia Phả khảo luận và thực hành của ông ước tính “chỉ vào khoảng gần 300 họ”. Thật ra cũng còn xa mới có thể có được con số chuẩn xác. Trước mắt có thể hy vọng một số liệu về tổng số các họ đang dùng có tính đồng đại tại một thời điểm nhất định, ví dụ như cuộc điều tra dân số sắp tới chẳng hạn. Nhưng xét theo quan điểm lịch đại thì những con số ấy đều chỉ cò giá trị hết sức hạn chế. bởi vì những người mang cùng một họ như họ Nguyễn chẳng hạn chưa hẳn là đồng tôn và ngược lại, những người mang họ khác hiện nay lại rất có thể vốn là chung nhau một ông tổ. Kết quả “Tìm nguồn” gần đây cho biết bọ Mạc đã có người đổi sang các họ khác như: Bế, Bùi, Bùi Đăng, Bùi Đình, Bùi Thái, Bùi Trần, Cát, Chữ, Đặng, Đoàn , Đỗ, Hoàng, ...

Hình thái sớm nhất của tộc phả khởi đầu từ đế vương niên biểu hình thành trên cơ sở lấy hệ thống đế vương làm trung tâm. Về sau mới bắt đầu có tộc phả cá nhân.
      Tộc phả ở Trung Quốc ít nhất đã khởi đầu từ đời Chu, dần dần hưng thịnh ở đời Hán, đến Ngụy Tấn Nam Bắc triều do nặng ý thức về dòng dõi môn đệ nên nhà nước chọn quan lại, gia đình kén dâu rể đều lấy tộc phả làm căn cứ tham khảo mà trở nên cực thịnh. Sang đến đời Tống, Nguyên do chế độ khoa cử nghiêm ngặt, tính dòng dõi mới nhạt dần, tộc phả chủ yếu chỉ nhằm mục đích hòa mục yêu thương họ hàng. Đời Minh, Thanh có khuynh hướng từ tộc phả hướng sang giai sử, với yêu cầu “vô trưng bất tin” (không có chứng cứ thì không tin), phần nhiều soạn tộc phả theo bút pháp nâng giáo dục xã hội đề cao nhân tài, biểu dương thuần phong mỹ tục. Nói chung từ Tống, Nguyên về sau, nội dung ký sự của tộc phả đã gia tăng rất nhiều, bao gồm từ cội nguồn và các dòng phái “Tính thị” thế hệ tổ tiên, địa phương cư trú, từ đường từ sản, nghĩa điềm trang, tiên nhân truyện ký, thơ phú văn chương, gia huấn gia quy cùng mọi việc khác, trong gia tộc đều ghi chép cả, vì thế trở thành một kho tàng quý hóa của người xưa.
      Tộc phả Hàn Quốc khởi nguồn từ thời đại Tam Quốc (Cao Cú Lệ, Pei-xi, Si-la) mà bán đảo này, cũng bắt đầu bằng việc ghi chép hệ thống vương thất: Vương Đại Thực Lục của Kim Khoan Nghi và Duệ Nguyên Lục của Nhậm Cảnh Túc thời trung diệp Cao Lê, ghi chép tỷ mỷ các tôn tử và tôn nữ trong vương thất dưới dạng tộc phả.
      Gia phả học hay phả học (Généalogie, Genealogy) Châu Âu có thể coi là chính thức ra đời vào nửa sau thế kỷ XVI với các cuốn Lịch sử tổng quát các vương quốc Jêrusalem, Chypre, Arménie (1575 – 1579) khảo về nguồn gốc các vua chúa thân vương và các nhà đại quý tộc và Gia phả của 67 nhà quý phái đại gia Pháp và ngoại quốc(1586) của Delusignan, một nhà tu hành người Pháp ở vương quốc Chypre, phát triển ở thế kỷ XVIII cực thịnh ở thế kỷ XX. Các tác phẩm nổi tiếng trong ngành học này có thể kể: Nguồn gốc lịch sử dòng họ quý phái 20 tập của Gustave Chaix D’Est Ange xuất bản trong khoảng 1903 – 1929 khảo cứu hàng trăm dòng họ hiện hữu. Gia đình và phả hệ của Nam tước A.DeMaricourt năm 1943 và Phương pháp phê bình gia phả học của Tử tước De Marsay năm 1945.

Lịch sử còn ghi nhận các hội nghị Gia phả học quốc tế lần thứ nhất năm 1929 ở Barcelone, lần thứ hai năm 1953 ở Naples, lần thứ ba ở Madrid năm 1955 (lần này 408 học giả thuộc 76 tổ chức đến từ 31 nước).
      Tộc phả học Trung Quốc chính thức ra đời Nam Bắc triều với trước tác đồ sộ trong đó có thị tộc yếu trạng là Nhân danh thư của Giá Uyên tự là Hi Kinh người Tề Nam Triều.
      Tộc phả Hàn Quốc khá hoàn bị về thể chế và phương pháp ghi chép, đồng thời lại có mức độ phổ cập quốc gia rất cao, trên phạm vi thế giới, Hàn Quốc được coi là nước phát triển về tộc phả. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến Hội nghị Tộc phả học thế giới mùa hè năm 1991 tại Seoul có học giả trên 180 nước và khu vực tham gia.

Xét về khoa học nghiên cứu tộc phả và lịch sử gia tộc (Familyhistory) thì Trung Quốc có lịch sử lâu đời nhất, có hệ thống nhất, phải nói là đứng hàng đầu thế giới.
     Phả hệ của phương Đông luôn luôn lấy vị tổ tiên chung của cả họ (tộc) làm cội nguồn để viết cho đến thời điểm hiện tại, còn cách làm gia phả của phương Tây thì lấy bản thân là trung tâm mà truy ngược dần lên đến tổ tiên theo phương thức tìm nguồn.
    Hiện nay trong các trường đại học của Mỹ, nhiều trường đã đạt môn gia tộc sử hay lịch sử gia đình thành môn học riêng: Trường Đại học Rytgers, trường Đại học Los Angeles bang Califoina, trường Đại học Brigham Young…

Cơ quan lưu trữ gia phả lớn nhất hiện naycó lẽ là thư viện gia phả của nhà thờ Jésus Christ, Đức thánh ngày tận thế ở thành phố Salt Lake bang Yota với hơn năm trăm thư viện chuyên nghiệp và hơn 400 người tòng nghiệp tự nguyện không hưởng lương, bình quân hàng tháng trả lời trên 5000 lượt thư độc giả giải đáp các vấn đề liên quan đến gia phả, kho sách Microfilm và mỗi tháng bổ sung thêm khoảng 4.000 cuốn.
    Tại Seoul Hàn Quốc, năm 1993 chúng tôi đã có dịp đến thăm cơ sở của một trung tâm tộc phả học mang tên “Hồi tưởng xã”, tại đó chúng tôi phát hiện bộ gia phả 2 quyển này của Lý Long Tường ở Hoa Sơn. “Hồi tưởng xã” đã có lịch sử trên 40 năm, hiện lưu trữ khoảng 2250 cuốn gia phả, tộc phả.
    Việc nghiên cứu gia tộc sử ở Mỹ ngày nay dần dần với gia phả học. Một số trường Đại học của Mỹ xếp gia tộc vào trong phạm vi xã hội sử. Vì thế, nghiên cứu tộc phả và gia đình sử ở Mỹ theo hướng khoa học xã hội. Nghiên cứu tộc phả và gia truyện (lịch sử gia tộc ở Trung Quốc và ở Á Đông nói chung) ngoài ý nghĩa sử học ra còn đặc biệt chú trọng khía cạnh đạo đức luân lý.

Giáo sư Phạm Văn Các

05/05/2011

Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người cho La Thị Tám, nữ anh hùng tại ngã ba Đồng Lộc

Sự kiện Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một địa danh huyền thoại, là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái trẻ cũng như lực lượng thanh niên xung phong trong cả nước. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến đường trọng điểm của đường mòn Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10-1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.

Chiều 24-7-1968, Tiểu đội 4 thanh niên xung phong được lệnh san lấp hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại bay từ trong ra thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái. Cả 10 cô gái trẻ ấy đã hy sinh. Ghi sâu tội ác và tôn vinh chiến tích của 10 cô gái tại trọng điểm lịch sử này, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và xây dựng Tượng đài chiến thắng tưởng niệm 10 cô gái.

Cạnh Ngã ba Đồng Lộc, còn có một quả đồi, giờ đây được đặt tên là đồi La Thị Tám, để ghi nhận hành động dũng cảm của một cô gái, may mắn còn sống sau những ngày chiến tranh khốc liệt, đó là nữ anh hùng La Thị Tám. Đã có nhiều bài viết cảm động về những cô gái tại ngã ba huyền thoại này, bài viết này xin cung cấp cho bạn đọc thêm một thông tin: Bác Hồ đã biết tới hành động dũng cảm của các cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc và một trong số các cô gái đó đã được Bác tặng huy hiệu của Người.

Sinh thời, Bác Hồ luôn theo dõi cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Sống giữa thủ đô Hà Nội, nhưng tâm trí của Người vẫn hướng về những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Những năm bom đạn Mỹ rải khắp miền Nam, miền Bắc, có một địa điểm cũng được Người hết sức quan tâm, đó là vùng đất khu Bốn. Những bài báo viết về tinh thần dũng cảm của quân và dân ta được Người rất chú ý. Và bài viết về o thanh niên xung phong dũng cảm La Thị Tám là một trong hàng nghìn bài viết được Bác Hồ đọc và giao cho Văn phòng cắt dán. 40 năm đã qua, đọc lại những bài báo viết về những tấm gương anh hùng dũng cảm, những tấm gương người tốt, việc tốt, mà theo năm tháng giấy đã chuyển màu, nhưng dấu ấn của Người vẫn còn tươi màu mực, đó là dòng chữ Tg 1hh, đó là ký hiệu của Bác, có nghĩa là: Thưởng 1 huy hiệu.

Bài báo viết về tấm gương anh hùng La Thị Tám, đăng trong mục: Nhân dân anh hùng, Quân đội anh hùng (có lẽ của Báo Quân đội nhân dân, năm 1968, bài báo được cắt dán lên mặt sau của tờ bản tin của VNTTX, năm 1968, hiện được lưu giữ tại Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh) mãi mãi không chỉ là một minh chứng cho lòng quả cảm của một thế hệ Việt Nam anh hùng, còn là một biểu hiện sinh động của sự quan tâm, động viên kịp thời của Bác Hồ đối với những tấm gương anh hùng, dũng cảm của quân và dân ta.

Nguyên văn bài báo như sau:

O TÁM GAN DẠ

Năm 1968, ngã ba X. ở Hà Tĩnh trở thành một trọng điểm địch đánh phá suốt ngày đêm. Để nhanh chóng phá những quả bom nổ chậm và kịp thời ứng cứu mặt đường, ban chỉ huy bảo đảm giao thông cần một người dũng cảm làm nhiệm vụ trinh sát bom. Biết chắc làm việc này rất nguy hiểm, nhưng La Thị Tám xung phong nhận ngay, không do dự. Tám là đoàn viên thanh niên lao động, là em của hai người anh đang chiến đấu ở chiến trường xa.

Vị trí quan sát là một đỉnh đồi nhỏ giữa trọng điểm địch đánh phá. Mỗi ngày hai lần. Tám vượt qua bãi bom lên đồi quan sát. Hơn 100 ngày như thế, dấu chân Tám in thành vệt mòn vắt qua bãi bom nổ chậm. Nắng tháng 6 cùng với gió tây làm quả đồi nóng như lửa. Dưới làn bom đạn địch, Tám đứng đây từ tờ mờ sáng đến tối mịt để đếm từng quả bom khi địch đến đánh phá. Rất nhiều lần địch bắn và ném bom ngay xuống quả đồi. Nhưng dù nguy hiểm, Tám cũng không chịu rời vị trí, vì đây là nơi quan sát tốt nhất. Từ trên đỉnh đồi, Tám thấy rất rõ tội ác của giặc Mỹ hằng ngày. Chúng giội bom xuống mặt đường, xuống làng mạc. Lòng căm giận sôi lên. Tám đếm từng quả bom như tính từng tội ác của giặc Mỹ.

Sau mỗi trận đánh. Tám rời đỉnh đồi, chạy xuống vùng ngã ba, tính khối lượng đất và cắm tiêu. Nhiều lúc vừa xuống tới bãi thì địch quay trở lại. Có lúc chúng ném đủ các loại bom nổ ngay, nổ chậm, bom bi, bắn cả đạn 20 ly vào ngay nơi Tám vừa tới. Đất đá ở đây rắn lại và sắc như mảnh bom. Thế mà mỗi ngày, 3 hay 4 lần Tám đi suốt một vòng khu vực ngã ba để làm nhiệm vụ. Lúc đầu chưa quen, Tám mới dám vào gần cách bom 5 mét. Thấy như thế vẫn chưa tốt, Tám nghĩ thà chết một mình nhưng bảo đảm an toàn cho hàng chục người làm nhiệm vụ: Tám vào sát bom, cắm tiêu trên hút quả bom như cắm cờ trên đồn địch. Những quả bom bi bị vùi lấp hoặc chui xuống đất, Tám cũng tìm bằng được. Hàng mấy chục lần bom nổ gần, đất đá vùi lấp cả người, nhưng Tám lại đứng dậy làm nhiệm vụ. Theo quy định Tám chỉ cần cắm tiêu những quả bom gần đường, nhưng sợ có người đi vào những vùng nguy hiểm, nên nhiều lúc Tám cắm tiêu cả trên những quả bom ở xa. Những ngày cắm tiêu nhiều bom, chạy nhiều lần về nhà say nắng, Tám không ăn được cơm. Nhưng sáng hôm sau Tám lại vượt bãi bom lên đồi quan sát cả ngày. Suốt 130 ngày làm nhiệm vụ trinh sát ở ngã ba X. và cầu T., Tám đã vào tận nơi cắm tiêu "khai tử" cho 700 quả bom của giặc Mỹ, góp phần quan trọng vào việc giải phóng đường và thông xe.

Người con gái giao thông ở xã V. (Hà Tĩnh) ấy được nhân dân xung quanh ngã ba X. khâm phục và đặt cho cái tên thân mật là "O Tám gan dạ". 

 TTX .VN

Những thông tin trong bài viết này chắc chắn là rất chính xác, vì được viết ngay vào thời điểm lúc đó. Dù rằng trong bài viết tên địa điểm đã được viết tắt để giữ bí mật, nhưng chúng ta đều hiểu rằng, Ngã ba X. chính là ngã ba Đồng Lộc. Người con gái gan dạ La Thị Tám năm 1969 đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhạc sĩ Doãn Nho kể: Ngã ba Đồng Lộc, đau thương mà kiêu hãnh. Người lính nào đi qua đây cũng rưng rưng xúc động và nó để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghệ sĩ. Bởi vậy, đã có nhiều bài hát nổi tiếng ra đời lấy cảm hứng từ vùng đất này như Chào em cô gái Lam Hồng, Cô gái mở đường...

Từ những cảm xúc về vùng đất anh hùng này, bài hát Người con gái sông La, lấy nguyên mẫu từ nữ anh hùng La Thị Tám của Nhạc sĩ Doãn Nho cũng được ra đời như vậy.

Người con gái sông La
Đôi mắt trong tựa ngọc
Đôi giọt nước sông La
Thương như trời quê ta...

Em dõi theo từng ngày
Đếm từng loạt bom rơi
Cho bom nổ bên tai
Em vẫn đứng giữa trời!

Ơ.... em vừa mười tám tròn
Đẹp như xuân sang
Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn
Đạp lên cái chết, dáng em hiên ngang
Ơi người con Xô Viết...

Quân thù xéo nát đất này từng ngày
Mà em đứng đó, tóc xanh tung bay
Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam"

Chị La Thị Tám nghe được bài hát này vào một buổi sáng mùa đông năm 1970. Và chị đã khóc vì xúc động. Sau này, chị kể lại: "Tôi nhận ra đó là tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái khu Bốn vốn kiên cường, bất khuất. Tôi chỉ thay mặt họ "xuất đầu lộ diện” một tí thôi!”

Theo Báo Nhân dân, ngày 10-7-2008, Lễ kỷ niệm 40 năm huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc sẽ được tổ chức từ 16 đến 24-7-2008 bằng một chương trình hoành tráng, tôn nghiêm. Lễ kỷ niệm cũng là ngày hội dành cho lực lượng thanh niên xung phong 40 năm về trước cùng hội ngộ nhớ về một thời máu lửa của dân tộc.

Xây dựng lại đồi La Thị Tám - Đồng Lộc cũng là một hoạt động trọng tâm của Lễ kỷ niệm. Đồi La Thị Tám sẽ được làm thành bông hoa hướng dương kỷ lục với đường kính 20m, có 10 cánh hoa tượng trưng cho 10 nữ anh hùng liệt sĩ.

Chúng tôi chưa được đến Ngã ba Đồng Lộc, chỉ được biết đến địa điểm lịch sử này cũng với những cái tên La Thị Tám, Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà, qua những bài báo, bài hát, những thước phim, mà thấy vô cùng xúc động. Hy vọng rằng có một dịp nào được ghé thăm Tượng đài kỷ niệm 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, để được tận mắt chứng kiến Ngã ba huyền thoại, được thắp hương cho các chị và một lần nói lời cảm ơn các chị và biết bao người đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên cho dân tộc hôm nay.

Nguyên mẫu của bài hát “Người con gái sông La”


Sau chuyến công tác, nhạc sĩ Doãn Nho kể lại cho nhà thơ Phương Thúy những tình cảm về ngã ba Đồng Lộc anh hùng. Hai ngày sau, bài thơ Người con gái sông La ra đời. Nhạc sĩ lập tức ngồi lại với cây đàn. Hai giờ sau, bài hát ra đời.


Bài thơ ra đời từ... một đôi mắt

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Phương Thúy - con gái thứ 3 của nhà phê bình văn học Hoài Chân (đồng tác giả cuốn “Thi nhân Việt Nam” cùng người anh ruột Hoài Thanh) trong một trại dưỡng lão ở Bắc Ninh. Nói về hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Người con gái sông La", bà Thúy không còn nhớ chính xác thời gian mình làm bài thơ ấy. Bà chỉ nhớ đó là thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Khi ấy, bà Thúy đang là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội. Một lần, bà vô tình đọc báo có bài viết về cô gái La Thị Tám, là thanh niên xung phong ở Hà Tĩnh. Cô gái La Thị Tám đã không quản ngại mưa bom bão đạn, đứng ra làm "hoa tiêu" chỉ đường cho xe qua.

Sau khi đọc bài ấy, đặc biệt là nhìn vào đôi mắt trong sáng đến rạng ngời của cô thanh niên xung phong, bà Phương Thúy đã thức trắng 1 đêm. Dường như đã có một dòng sông sôi sục chảy trong tâm hồn nữ thi sỹ này. Bài thơ ra đời sau đêm đó. Ban đầu, bài thơ có tựa đề "Cô gái sông La". Sau này, khi phổ nhạc, nhạc sỹ Doãn Nho đã đổi tên thành bài "Người con gái sông La".
Kể về bài hát này, bà Thúy vui vẻ lẩm nhẩm hát cho chúng tôi nghe: "Người con gái sông La, đôi mắt trong tựa ngọc. Đôi dòng nước sông La, xanh như trời quê ta...". Khi sáng tác bài thơ ấy, bà Thúy chưa đến sông La bao giờ, sáng tác hoàn toàn qua cảm nhận về bài viết và đôi mắt của cô gái La Thị Tám. Khi ấy, bà cũng rất mong được một lần đến với sông La nhưng chưa có điều kiện.

Mãi hơn 30 năm sau, bà Phương Thúy mới có điều kiện đến với Hà Tĩnh. Nơi bà ghé thăm và ấn tượng hơn cả chính là ngã ba Đồng Lộc - biểu tượng của tinh thần thanh niên xung phong. Đây cũng là lần đầu bà được tận mắt nhìn thấy sông La chảy. Bấy giờ bà mới thêm khẳng định cảm nhận của mình về con người nơi đây hơn 30 năm trước là không sai. Về với mảnh đất này, bà thực sự gặp được những con người hồn hậu, thuần khiết như những gì bà đã nhìn thấy trong đôi mắt của cô gái La Thị Tám.



Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông đã có nhiều lần tham gia các đợt đi thực tế sáng tác ở Trường Sơn, Tây Nguyên. Mỗi lần đi như thế, ông và đồng nghiệp đều qua ngã ba Đồng Lộc - một địa danh nổi tiếng là khốc liệt, đau thương và anh dũng - nên thường phải đi vào ban đêm. Chuyến đi công tác vào cuối năm 1970, may mắn làm sao, ông cùng đoàn lại đi qua đó vào ban ngày. Nhờ thế, ông đã được tận mắt nhìn thấy quả đồi nơi chị La Thị Tám hằng ngày đứng đếm số bom mà quân thù trút xuống mảnh đất này. Thời điểm ấy, Đồng Lộc trở thành một “túi bom”. Đất ở Đồng Lộc nhão ra thành những bãi bùn mênh mông, bởi vì bom thù giội xuống suốt ngày đêm nhằm chặt đứt “con đường huyết mạch” này.

Cách đó ít lâu, ngày 24/7/1968, mười cô gái trong tiểu đội nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh khi tất cả họ đang ở độ tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Tất cả những câu chuyện nhỏ ở đây đã dệt nên huyền thoại về Đồng Lộc.

Người lính nào đi qua đây cũng rưng rưng xúc động và nó để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghệ sĩ. Bởi vậy, đã có nhiều bài hát nổi tiếng ra đời lấy cảm hứng từ vùng đất này như Chào em cô gái Lam Hồng, Cô gái mở đường...

Nhạc sĩ Doãn Nho cũng vậy. Từ những cảm xúc về vùng đất anh hùng này, bài hát Người con gái sông La ra đời và ca sĩ Tường Vi là người đầu tiên thể hiện rất thành công bài hát này với những giai điệu tha thiết: “Em vừa 18 tròn đẹp như xuân sang/ Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang/ Em là chồi biếc, của mùa xuân Việt Nam ”.

Chị La Thị Tám nghe được bài hát này vào một buổi sáng mùa đông năm 1970. Và chị đã khóc vì xúc động. Sau này, chị kể lại: “Tôi nhận ra đó là tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái khu Bốn vốn kiên cường, bất khuất. Tôi chỉ thay mặt họ “xuất đầu lộ diện” một tí thôi!”.

Câu chuyện về nữ anh hùng trẻ tuổi
Chị La Thị Tám sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trong tiếng bom rơi đạn nổ cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nên con người ở đây đã luôn tỏ rõ ý chí và nghị lực sắt đá.

Năm 1967, chị Tám vào bộ đội (thuộc đơn vị chủ lực Đại đội 2 - Giao thông vận tải) đóng tại Đồng Lộc. Theo miêu tả của nhiều người, chị là một người con gái bé nhỏ như... hạt mít, nhưng lại đảm nhiệm một công việc nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết.

Chị luôn đứng trên một quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc  vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ thì rơi ở khu vực nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm tiêu, chờ bộ đội công binh đến rà phá. Hiện lên giữa bom đạn mù trời là một người con gái dũng cảm, kiên trung, cái sống và cái chết thật mong manh mà miệng vẫn luôn nở nụ cười.

Đoàn xe nào đi qua khu vực này cũng được nghe kể về người con gái kiên trung ấy... Nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy, chị Tám vẫn chỉ cười giản dị: “Nhiệm vụ là trên hết mà. Lúc đó, chúng tôi không có thời gian nghĩ về cái chết. Cả một thế hệ đều nghĩ rằng, nếu có mất mát, hy sinh, ấy là vì Tổ quốc!”. Chị Tám vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969, khi mới 22 tuổi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo - người đã phải tốn khá nhiều phim cho “người mẫu” La Thị Tám, chậm rãi kể lại: “Phụ nữ bao giờ cũng đẹp. Nhưng có lẽ, trong chiến tranh, họ lại đẹp rạng ngời và trở thành niềm say mê trong cuộc đời cầm máy ảnh đi chiến trường của tôi. Có nhiều “người mẫu” đã lọt vào ống kính của tôi, nhưng La Thị Tám đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên.

Tôi dành ra một cuộn phim để chụp về cô gái ấy (mà thời đó, phim ảnh cũng là một thứ xa xỉ đấy!). Lúc đó là cuối năm 1967, Tám chưa phải là... Anh hùng. Cô ấy bé nhỏ như một... thiếu niên, vậy mà...”.

Những bức ảnh của nghệ sĩ Văn Bảo hồi đó được đăng nhiều lần trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong... Hình ảnh của chị La Thị Tám cũng xuất hiện trên báo Sự thật của Liên Xô (cũ) năm 1968 và nghệ sĩ Văn Bảo đã đoạt một giải Vàng tại cuộc thi ảnh do báo này tổ chức năm đó.

Người con gái 20 tuổi mà bé nhỏ như một thiếu niên ấy, hằng ngày khoác tấm vải dù lên vai, tay cầm ống nhòm đứng vắt vẻo trên chiếc chòi dựng tạm bên sườn núi như chiếc chòi của một người canh rừng để làm nhiệm vụ trong 5 năm (1967 - 1972). Nghệ sĩ Văn Bảo hỏi chị Tám: “Có sợ không?”, thì chị cười nói: “Sợ gì. Nó ở bên kia bán cầu sang ném bom giết hại dân mình, thì mình phải đánh chứ!”.

Cuộc gặp gỡ sau 33 năm
Chiến tranh kết thúc, như nhiều cô gái từng phục vụ chiến trường trở về, chị Tám chuyển ngành, lập gia đình, sống một cuộc sống giản dị, đời thường. Con gái đầu lòng của chị hiện là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Sư phạm Vinh. Có ai gợi lại chuyện về quá khứ, bao giờ chị cũng nói rằng: “Vinh quang, công lao đều thuộc về tập thể”.

Năm 2003, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh tổ chức một chương trình ca nhạc mang tên Âm vang sông La, nhạc sĩ Doãn Nho mới có dịp về lại Hà Tĩnh và đến thăm gia đình riêng của chị La Thị Tám. “Người con gái sông La kiên cường” ấy giờ đã 56 tuổi.

Trông chị vẫn giản dị như một cô thanh niên xung phong xưa. Hiện chị đang là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng các cơ quan dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh. Hơn 30 năm đã qua đi, tác giả và nhân vật mới có dịp gặp nhau, nhưng cuộc hội ngộ là một kỷ niệm đẹp với cả hai người.

Nhạc sĩ Doãn Nho nói với “nhân vật” của mình: “Chúng ta tự hào vì đã có mặt trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tự hào vì tuổi trẻ của chúng ta đẹp. Cả một thế hệ đẹp vô cùng. Thế mới thắng Mỹ được chứ!”. Sau buổi gặp gỡ ấy, nhạc sĩ Doãn Nho có tâm sự: “Ấn tượng đẹp về La Thị Tám: kiên cường, giản dị, chân thực, khiêm tốn... vẫn được giữ nguyên đúng như những tình cảm khi tôi viết Người con gái sông La cách đây hơn 30 năm...”

Nguyễn Thị Việt Hà

04/05/2011

Huyền bí chữ “Thần” trên vách đá - Phần 2: Mai An Tiêm thời nay

GiadinhNet - Dù câu chuyện Mai An Tiêm chỉ là huyền thoại nhưng những chứng tích hiện nay ở Nga Thiện khiến du khách như đang thăm lại vùng đất hoang đảo trồng dưa hấu thủa xa xưa.
 
Đặc biệt, trong chuyến đi đến vùng này chúng tôi gặp một cặp vợ chồng Mai Xuân Thuần, Nguyễn Thị Bích gần 20 năm đơn độc sống ở vùng đất này như hình ảnh gợi nhớ câu chuyện xưa.
Vùng đất huyền thoại

Chị Bích đưa đường cho PV đến chữ “Thần” trên vách núi đá.
Câu chuyện trong huyền sử, khiến người ta tưởng tượng ra một cửa Thần Phù huyền bí, thần thoại. Câu chuyện về hoang đảo Mai An Tiêm cũng thụt lùi vào dĩ vãng hằng bao nhiêu thế kỷ. Thế nhưng, hôm nay có ai tin được truyện thần tiên đó, tưởng chừng như hoang đường lại có thật trong con mắt chứng kiến của người dân Nga Thiện, Nga Sơn. Đó là câu chuyện của vợ chồng Mai Xuân Thuần, Nguyễn Thị Bích hơn 20 năm lủi thủi canh giữ chữ Thần như báu vật của ngàn xưa để lại.

Nhìn lại sử sách, kể cả những chuyện xa xưa đã trở nên gần như hoang đường, nhiều người tưởng rằng cái tên đó không có thực, trong địa danh của miền đông nam tỉnh Ninh Bình và đông bắc tỉnh Thanh Hóa; như những chuyện Mai An Tiêm từ thời vua Hùng chẳng hạn. Nói như thế thì đủ biết nó đã quá xa xôi rồi. Nhưng nếu đứng từ làng Hoàng Cương, Nga Thiện nhìn về phía đông nam, núi Lão Vọng vẫn sừng sững qua nhiều thế kỷ, trên sườn núi cao là một phiến đá hình tựa tay vào cằm, người dân gọi đó là Lão Vọng trầm ngâm, thì vẫn thi gan cùng tuế nguyệt. Dưới chân núi phía bên kia, một chữ  “Thần” vẫn như mắt của người xưa soi chiếu sự thăng trầm của làng xã Nga Sơn.

Người dân ở đây, có thể là dòng tộc họ Mai, vẫn hằng năm nhớ ngày cúng tổ tới đây dâng hương tưởng niệm. Ông Mai Anh Tuân, Trưởng phòng VHTT&DL huyện Nga Sơn, cho biết: “Hàng năm cứ vào dịp 12 đến 15 tháng 3 (âm lịch), lễ cúng tế, rước kiệu tưởng nhớ đến sự tích Mai An Tiêm được tổ chức trang trọng. Khi ấy, những trái dưa hấu chín đỏ được chọn làm lễ vật cúng tế”. Nga Sơn hôm nay vẫn còn đó những cánh đồng dưa hấu bội thu. Thứ dưa hấu tròn bằng chiếc tô nhỏ, vỏ xanh đậm, ruột đỏ thẫm. Năm nào cũng thế, đến mùa hè, người trong vùng lại được thưởng thức món dưa này. Tất cả những điều đó khiến những người đến đây đều cảm nhận rõ như câu chuyện cổ tích về Mai An Tiêm hoàn toàn có thực.

Một mình khai “đảo”

Chuyến đò miễn phí chở khách thăm chữ “Thần” dưới cửa Thần Phù.
“Không có người thì chùa lấy ai hương khói”, anh Mai Xuân Thuần thủng thẳng nói khi tôi hỏi về sự hoang vắng nơi đây. Anh “nói lại cho rõ” rằng ngôi nhà lớn bên dòng sông Hoạt đó là nhà thờ chứ không phải là chùa. Thì ra trước kia, ngôi làng này có nhà thờ và dân cư sinh hoạt, sau những trận cuồng phong của  những năm 1990, thấy mảnh đất này “dữ” nên dân đã chuyển đi nơi khác làm ăn. Giờ thì chỉ còn lại vợ chồng anh Thuần chị Bích với 2 đứa con. Anh chị sống nhờ vào nghề truyền thống trồng cói bán cho làng làm chiếu ngoài huyện Nga Sơn.

Khi tôi đưa máy ghi lại hình ảnh lao động của mẹ con chị Bích trên thửa cói xanh rì, chị bảo, có gì mà chụp, cảnh khổ thế này cho lên báo làm gì thêm xấu hổ. “Người dân đâu hết mà đồng vắng thế chị?”. “Ai cũng thấy nơi đây đất dữ, chẳng ai dám sinh sống quanh cửa biển Thần Phù đâu” chị cứ nhát gừng nhả từng tiếng xen lẫn tiếng cắt cói xoẹt ngọt tai.

Quê gốc của anh Thuần ở mãi  huyện Hậu Lộc, cách đây hơn 20 năm, nghe những người đi biển về bảo ở cửa Thần Phù còn hoang hóa lắm có thể lên lập trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Anh rủ thêm mấy người anh em họ cùng lên thì mới biết vùng này nước còn quá hoang sơ. Kinh khủng hơn khi mùa lũ thì nước từ trên sông Hoạt chảy xuống, nước ở biển dồn vào lênh láng mênh mông cả một vùng. Còn những mùa khác, chỉ cần biển động một tí thôi thì nước kéo vào chả có thể trồng được cây gì. Quá chán nản mấy người anh em họ bỏ về hết còn mỗi mình anh Thuần.

Quyết ở lại, anh Thuần bắt đầu đi thị sát một vòng quanh cái “cơ ngơi” mà người dân ở cả xã Nga Thiện không ai dám nhận ấy. Anh chèo thuyền đi mãi, thì gặp thấp thoáng một cái am bỏ hoang. Phát lau lách lại gần cái am ấy thì phát hiện phía trên am có một chữa to khắc trên đá nhưng chẳng biết là chữa gì. Từ đó “lão” tin nơi này đã từng có người sinh sống, có người dựng am rồi khắc đá thì ắt mình cũng sống được. Mà anh cũng chẳng biết nơi này đã từng là cửa địa hiểm ác nhất xứ Nam Sơn, đã xảy ra bao trận chiến và dưới lòng sông này vẫn còn những trần tích gươm chìm giáo gẫy khi các thế lực phong kiến phân tranh.

Cho đến trận bão kinh hoàng năm 1996, nước biển lùa vào dâng cao ngút ngát, cuốn trôi cả cái miếu, trôi cả cái lều tạm bợ của  “lão gác chữ Thần” phải lếch nhếch lên hang ở hàng tuần chờ khi nước rút. Từ đấy “lão” bèn mua một bát hương về hương khói vào ngày rằm, ngày lễ đặt dưới ngay chữ Thần.
Mặc kệ, ai nghĩ gì thì nghĩ, còn anh Thuần cứ làm đơn lên  xã đăng ký xin thầu cả khu vực này để phát triển trang trại với thuế hàng năm không đáng kể. Nói là làm trang trại cho sang chứ cả một khoảng đất mênh mông ấy chỉ trồng mỗi cây cói là sống được. Cũng may cho anh  vài năm gần đây, chiếu Nga Sơn được thị trường ưa chuộng và cây cói cũng có giá nên mảnh đất hoang dưới bia chữ “Thần” này ưu tiên dành công sức và việc trồng cói.

Từ khi ở đây đến nay anh Thuần đã đưa rất nhiều đoàn cán bộ văn hóa của tỉnh, của huyện, trung ương vào thị sát chữ Thần. Khi về đoàn nào cũng bảo sẽ phục dựng phát triển làm điểm văn hóa du lịch nhưng mãi chẳng thấy. Chuyện đó cũng chẳng làm anh vương vất gì, tự nhủ cái gì của lịch sử  để lại cũng đều là giá trị riêng cho đời sau. Vì vậy, ông vẫn một tâm nhang khói vào ngày tuần rằm, mồng một, cầu mong mưa thuận gió hoà mùa màng tươi tốt, con cái khoẻ mạnh học hành ngoan ngoãn.
Những câu chuyện truyền miệng

Tại vùng đất này người dân vẫn hay truyền miệng những câu chuyện lạ. Cách đây vài năm có một số người dân ở bên Kim Sơn (Ninh Bình) sang dựng lều bắt nhạch (một loại cá nước lợ chỉ có ở vùng trồng cói Nga Sơn) thì bỗng đâu một đêm cả đoàn người hớt ha hớt hãi chạy thục mạng vào trong làng chỉ nói “kinh quá, kinh quá” rồi không thèm thanh minh hay giải thích cuốn gói đi thẳng. Điều này đã được chúng tôi nghe khi ngồi trên xà lan ở đầu xã Nga Thiện với ông Mai Thanh Tùng – một tay chuyên chở các xà lan cát đi qua cửa Thần Phù. Tùng cho biết: Ban đêm có các vàng tôi cũng không dám cho xà lan chạy trên sông Hoạt qua đoạn chữ Thần.

Nhiều lần ông Tùng ở nhờ nhà anh Mai Xuân Thuần đợi qua đêm rồi tiếp tục lái xà lan về Ninh Bình. Dần thành bằng hữu có nhau trong những đêm phong gió hưu quạnh bên bờ sông Hoạt. Chuyện anh Thuần gác chữ Thần người qua dòng sông Hoạt đều biết rõ.  Ngay cả chuyện đời thường khi “lão gác chữ Thần” ra chợ huyện mua bát nhang về để dưới chữ Thần dân trong làng Hoàng Cương cũng rất tường. Chả là, trong đợt lụt cách đây vài năm, nước dâng cao quá cuốn bát hương đi mất. Bão tan, anh Thuần phải chèo thuyền ra tận chợ huyện mua bát hương khác về thay.

Ông Mai Anh Tuân Trưởng phòng VHTT&DL huyện cũng thừa nhận một số người dân hay truyền tai những câu chuyện lạ ở vùng đất này. Thực ra, những hiện tượng như vậy nếu có thì cũng dễ hiểu và diễn ra ở nhiều nơi. Có điều đây là mảnh đất khá hoang vu, hiểm trở và có nhiều di tích mang vẻ thần bí nên bản tính dân gian thường thích thêu dệt nên.
Thiên Thổ

Huyền bí chữ “Thần” trên vách đá - Phần 1: Nơi cửa Thần Phù xưa

GiadinhNet - Gọi là thuyền nhưng thực chất nó là cái khung sắt đổ bê tông nho nhỏ đã trơ cả lõi sắt thép han gỉ. Đã nghe câu “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm” nhưng vì muốn tận mắt chứng kiến chữ “Thần” huyền tích to bằng cái chiếu hoa nên tôi cố gạt đi cái sợ.
 
Cả làng đau mắt vì tấm bia!?

Chữ Thần khắc nổi trên vách đá bị người dân đục mất góc khiến nước mua hắt vào làm rêu mốc.
Lạc lên lạc xuống chúng tôi mới tìm được lối vào cửa Thần Phù. Rõ ràng, trước khi đi ông Tránh, Văn phòng UBND huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ dẫn tỷ mỉ, thế mà hỏi mãi vẫn không tìm được đường đi đúng. Người chỉ ngược, người chỉ xuôi. Người dân xã Nga Thiện sống ngay chân cửa Thần Phù cũng không biết và càng không biết cái tấm bia khắc trên lưng núi đá chứ nói gì đến chuyện họ biết chữ gì trên bia đó. Phải đến khi gặp lão chăn bò bên chân núi chỉ dẫn một cách rất lòng vòng, sau cùng chúng tôi mới có dịp chiêm ngưỡng tấm bia trên vách đá. Một chữ “Thần” ở vị trí linh thiêng trên núi đá cao ngất, người xem phải ngửa mặt lên mới nhìn được nếu như không muốn nguy hiểm bắc thang để leo lên tận nơi xem kỹ càng.

Xưa kia, nơi đây-  xã Nga Thiện, Nga Sơn này vùng biển mênh mông nước. Dòng sông Hoạt khi ấy là dưới đáy của thung lũng núi đá này. Đây là hệ núi đá chạy từ Ninh Bình cho đến Thanh Hóa. Kết cấu thiên nhiên địa chất đã làm nên những dãy núi hùng vĩ như dải tường thành chia thổ. Thế rồi, bỗng dưng, đến vùng Nga Thiện lại mở khẩu thành lối cho thuyền bè qua lại. Là lối duy nhất để thuyền bè giao thương mang cá cũng như lối đi  lợi hại đối với thủy quân. Từ đây, bao điều bí ẩn đã xảy ra đối với các thuyền chiến mỗi khi xuất binh về xứ của thành Tây An. Để sóng yên bể lặng mỗi khi qua đây, thì dù có tài vượt sóng, băng gió tài ba đến nhường nào cũng thể thắng nổi con sóng lăn tăn ở cửa Thần Phù này...

Ngay cả khi chúng tôi vừa gọi đò để đi sang bờ bên kia sông, phía có tấm bia khắc ghi chữ “Thần” vợ chồng anh Thuần lái đò nhắc nhở: “Là người dân nơi đây ai cũng thuộc lòng câu niệm “Lênh đênh qua cửa Thần Phù, Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”. Anh bảo: “Lạ lắm, dòng sông thì nhỏ thế thôi nhưng tàu, xà lan vài chục đến trăm tấn cứ chạy phăm phăm suốt ngày đêm. Mùa cạn cũng như mùa nước, chả có cái nào bị mắc cạn. Duy chỉ có một lần, vào năm 2003 có chiếc xà lan chở cát chạy đến cửa nhà tôi thì bị quay ngang, không làm cách nào đi thẳng được. Mắc vào bờ từ sáng đến tối chờ máy cẩu hạng nặng vào cẩu dọc ra mới được. Mà phải trút hết cát xuống mới thoát được đấy”. Đường bộ đi đến cửa Thần Phù thì bị núi bịt cụt, không thể đi tiếp được. Muốn đi qua thì phải đi bằng đường sông, mà đi đường sông thì uốn lượn lênh đênh, người không phải dân sông nước thì hết vía hoặc thà quay ngược ra đường huyện đi cho lành...
Đền thờ Áp Lãng Chân Nhân.

Dọc bờ sông Hoạt từ đường “xã lộ” đi đến Thần Phù có dân ở nhưng hoang sơ. Gần bến đò nhà anh Thuần có ngôi nhà thờ kiến trúc rất đẹp, vẫn nguyên dáng dấp nguy nga nhưng không có người. Anh Thuần bảo: “Đó là ngôi nhà thờ được xây lâu lắm rồi, từ khi tôi còn bé tý, nay tôi hơn 40 tuổi rồi vẫn thế. Giờ thì nó không có người, bị bỏ hoang vì người dân chuyển hết đi nơi khác rồi”. Hoang cảnh ở gần cửa Thần Phù, dòng sông Hoạt có gì cứ huyền bí. Ngay cả ngôi nhà anh Thuần cũng toát lên vẻ khác lạ, nhà thấp lè tè, muốn vào phải cúi gập người. Nhà bé thế mà có đến 4 người ở vẫn vừa. Thỉnh thoảng, cơn gió thông thổi hắt từ đá núi xuống chỗ chúng tôi đứng cứ lành lạnh. Tiếng rì rào, lạch cạch của ruộng cói bị gió miết vào nhau cứ như có ai cầm dao cạo vào cật tre.

Anh Thuần lái đò - người đã hơn 20 năm “gác” chữ Thần.
Anh Thuần bảo: “Nhà tôi nằm dưới chân chữ Thần, lại hương khói vào ngày thiêng nên không ai bị mắc bệnh gì, chứ bên làng Hoàng Cương bị đau mắt cả làng, quanh năm suốt tháng mắt cứ toét nhèm chữa mãi không khỏi. Đến khi người ta phát hiện chữ Thần chiếu thẳng vào làng thì người ta đổ cho đó là nguyên nhân gây nên bệnh toét mắt. Cả làng hì hục bắc thang leo lên thay phiên nhau đánh đục từng vảy đá cho đến khi góc chữ Thần bị mẻ đi mới thôi”.

Lão Vọng Chân Nhân

Chuyện huyền bí về tấm bia khắc độc chữ “Thần” ở cửa Thần Phù được ông Mai Anh Tuân - Trưởng Phòng VHTT&DL huyện Nga Sơn cho biết: “Đúng là nơi ấy thì hiểm ác lắm, nhưng thời nước biển còn  mênh mông cả vùng Nga Sơn cơ. Năm 2004 chúng tôi đã phải bắc thang lên để xem thì thấy bên cạnh chữ Thần vẫn còn dòng chữ nhỏ khắc bên cạnh như sau: “Nhật Nam nguyên chỉ đặc sai” với kiểu chữ khắc chìm chứ không khắc nổi như chữ Thần. Như vậy, từ nghĩa có liên quan được các nhà nghiên cứu đưa ra hội thảo cấp quốc gia thẩm định đó là Trịnh Sâm sai người khắc chữ đó. Theo tài liệu, vào năm Tân Mão 1771 có ghi Trịnh Sâm đi thanh kỳ qua vùng này...”.

Còn việc dân làng Hoàng Cương bị toét mắt, theo ông Mai Anh Tuân, khi ấy bên y tế huyện đã kiểm tra thì do dùng nguồn nước bị ô nhiễm sau cơn mưa lũ. Y tế huyện Nga Sơn khử nước và hướng dẫn tra thuốc đau mắt, sự việc chấm dứt ngay sau đó chứ không phải do người dân Hoàng Cương đục chữ Thần rồi mới khỏi bệnh. Tuy nhiên đến nay, chữ Thần do ai khắc vẫn còn nhiều tranh cãi.

Còn vùng đất như một địa danh lịch sử này đã gắn liền với nhiều truyền thuyết mà nhiều người dân biết đến như vùng đất dữ trọng lẽ tâm thanh cao. Những người tâm sáng khi ấy đi qua đã được đạo sỹ “ứng sóng hô phong” cho những chiến thuyền bình thiên hạ đi qua.  Khi ấy, những chiến thuyền đi qua đều gặp phong gió dữ dội, kẻ đạo sỹ đọc được tâm niệm từng người nên sẽ ra tay giúp đỡ người hiền tài, phó mặc kẻ lưu bạc. Sau khi giang sơn bình ổn, Lão Vọng đã lên đỉnh núi hóa đá tỳ tay vào cằm để chiêm nghiệm sự luân hồi của thiên hạ. Để như luôn hướng về cội nguồn, những người giúp qua cơn hoạn nạn, người dân đã dựng đền thờ mang tên Áp Lãng Chân Nhân trên địa bàn huyện Nga Sơn.

Một tài liệu khác cho rằng, Lão Vọng không phải là thần thoại mà là người thực. Lão là người chài lưới vùng này nên hiểu được luồng lạch nơi cửa Thần Phù nên lão giúp đỡ người lái thuyền vượt sóng gió một cánh điêu luyện bằng kinh nghiệm của mình. Cửa Thần Phù là tên một địa danh lịch sử xa xưa gắn với nhiều truyền thuyết, thực chất là một vùng đất nằm hai bên cửa biển cũ nay đã ở trong đất liền thuộc ranh giới giữa 3 huyện, chính xác là 3 xã Nga Điền, Nga Sơn, (Thanh Hóa); xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và xã Lai Thành, Kim Sơn (Ninh Bình). Ngày nay khu vực này đã được phù sa bồi đắp thuộc lưu vực sông Càn, con sông cùng với dãy núi Tam Điệp là ranh giới giữa 2 miền Trung - Bắc của Việt Nam.

Liên quan đến vùng cửa biển Thần Phù có nhiều truyền thuyết nổi tiếng như: Từ Thức gặp Giáng Hương, truyền thuyết Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang, truyền thuyết về võ ngựa quân binh Tây Sơn Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long. 
(Còn nữa)
Thiên Thổ

Bình luận:
Có thể tác giả Thiên Thổ chưa tìm hiểu trong huyền tích, Lão Vọng Chân Nhân được nói ở đây chính là Áp Lãng Chân Nhân La Viện, một đạo sĩ chứ không phải là người chài lưới vùng này am hiểu luồng lạch nơi cửa Thần Phù giúp đỡ người lái thuyền vượt sóng gió.

Wikipedia: Cửa biển Thần Phù

Nguồn Wikipedia

Cửa Thần Phù là tên một địa danh lịch sử xa xưa gắn với nhiều truyền thuyết, thực chất là một vùng đất nằm ở hai bên cửa biển cũ nay đã lùi xa trong đất liền hơn 30 km. Trước đây khu vực này thuộc tỉnh Ninh Bình, dưới thời Nguyễn, một phần được tách về tỉnh Thanh Hóa. Cửa biển Thần Phù hiện thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, (Thanh Hóa). Ngày nay khu vực này đã được phù sa bồi đắp thuộc lưu vực sông Càn, con sông cùng với dãy núi Tam Điệp là ranh giới giữa 2 miền Trung - Bắc Việt Nam. Di tích cửa Thần Phù nằm trên vách núi đá có khắc chữ "Thần" (神) lớn hướng ra phía biển, phía dưới là khu vực người hành hương có thể thăm viếng.
Theo Nam Ông mộng lục, Vua Lý Thái Tông (có thuyết lại cho rằng vua Trần, trong gia phả Gia tộc họ La lại ghi là đời Hùng Vương) mang quân Nam chinh dẹp Chiêm Thành, đến cửa biển Thần Phù gặp gió to sóng dữ, không đi được; may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi ban sự trở về, đạo sĩ mất ở dọc đường. Vua cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân” (người dẹp yên được sóng dữ). Hiện nay đền thờ và những di chứng khác vẫn còn ở thôn Yên Phẩm và Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Các di tích văn hóa

  • Đền Ấp Lãng: là di tích quan trọng nhất của khu vực vì đối tượng suy tôn trong đền là Ấp Lãng. Đền thuộc thôn Yên Phẩm xã Yên Lâm. Đây là ngôi đền cổ có kiến trúc đơn giản, giống một ngôi nhà cổ. Lễ hội đền diễn ra vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm.
  • Chùa Thần Phù (Thanh Hóa): toạ lạc tại thôn Chính Đại, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Toàn khu chùa có 3 toà nhỏ nằm ngang nhau. Chùa nằm bên sông Chính Đại. Bên hông chùa có bia thần phù để người qua đường có thể thắp hương cầu may.
  • Chùa Thần Phù (Ninh Bình): cách chùa Thanh Hóa khoảng 2 km. Đây là một ngôi chùa nhỏ, kiến trúc đơn giản thuộc thôn Thần Phù, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình.
  • Đình Phù Sa: cách đền Ấp Lãng 1 km, đây là di tích văn hóa duy nhất ở cửa biển Thần Phù được xếp hạng di tích quốc gia. Đình thờ Triệu Việt Vương.
Quanh khu vực cửa Thần Phù có nhiều đền Vua Lê Đại Hành cùng phối thờ Lý Thái Tông, là 2 vị vua xây dựng hệ thống phòng tuyến quân sự tại khu vực này.


Đền Áp lãng chân nhân - Ninh Bình:


Chùa Thần phù - Thanh Hóa:


Cửa Thần Phù trong văn học

Trong thơ ca

Ca dao Việt Nam có câu:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.
Từ việc chèo lái con thuyền qua cửa Thần Phù là nơi có dòng nước xoáy rất nguy hiểm, câu ca dẫn đến việc phải chèo lái con thuyền cuộc đời qua cửa biển trần gian. Từ chỗ chèo lái đi đến việc tu thân tích đức. Theo chữ nho thì tu có nghĩa là sửa, còn tu thân là sửa mình. Ở đâu mà không phải sửa mình, vì nhân vô thập toàn, nếu còn khuyết điểm thì còn phải sửa.
Trong thơ Nguyễn Trãi
:Quá Thần Phù hải khẩu
Thần Phù hải khẩu dạ trung qua
Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà
Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn
Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà
Giang sơn như tạc anh hùng thệ
Thiên địa vô tình sự biến đa
Hồ Việt nhất gia kim hạnh đổ
Tứ minh tòng thử tức kình ba.
:Qua cửa biển Thần Phù - Người dịch: Hoàng Khôi
Thần Phù qua bến ánh giăng lồng
Gió mát canh khuya cảnh vĩ hùng
Nghìn ngọn theo bờ , hình lá trúc
Một chiều giữa bể uốn thân rồng
Nước non như cũ người đâu vắng
Giời đất vô tình việc rối bồng
Hồ Việt một nhà may được thấy
Từ nay kình ngạc sạch giòng sông

Trong truyền thuyết

Liên quan đến vùng cửa biển Thần Phù có nhiều truyền thuyết nổi tiếng như: Từ Thức gặp Giáng Hương (xem Động Từ Thức), truyền thuyết Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang, truyền thuyết về võ ngựa quân binh Tây Sơn Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long, v.v...
Mã Viện
Theo thư tịch cổ, đầu Công nguyên cửa Thần Phù nằm trên đường hành quân xâm lược của nhà Hán do lão tướng Mã Viện cầm đầu. Tháng 11 năm 43 (SCN), sau khi tiêu diệt xong lực lượng kháng chiến của Hai Bà Trưng, Mã Viện trực tiếp chỉ huy 2 vạn quân cùng 2 nghìn tàu thuyền lớn nhỏ tiến vào Cửu Chân (Thanh Hóa nay) tiến đánh lực lượng kháng chiến của lão tướng Đông Dương bằng hai đường thuỷ, bộ. Cánh quân bộ bị chặn đứng lại trước núi rừng vùng Tam Điệp ngày nay. Cánh quân thuỷ bị chao đảo trước sóng to, gió lớn của biển Thần Đầu (Thần Phù). Mã Viện phải sai quân đào sông qua dãy núi đá vùng này mà thư tịch cổ gọi là Tạc Khẩu.
Ngô Nhật Khánh
Vào cuối thế kỷ thứ X, khi Đinh Tiên Hoàng vừa mới mất (năm 979), Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn là nhiếp chính. Phò mã Ngô Nhật Khánh cùng quân Chiêm Thành tiến ra Hoa Lư đánh nhà Đinh, nhưng vừa tới cửa Tiểu Khang (cửa Thần Phù) thì bị gió bão đánh chìm. Ngô Nhật Khánh chết đuối, chúa Chiêm may mắn thoát nạn.
Thành Thiên Phúc
Minh chứng cho truyền thuyết Ngô Nhật Khánh tấn công khu vực cửa Thần Phù là 4 ngôi đền thờ Vua Lê Đại Hành tại khu vực này. Đó là các đền thờ được xây dựng ở khu vực thành Thiên Phúc do Lê Hoàn xây dựng để phòng thủ Chiêm Thành từ cửa biển phía nam kinh đô Hoa Lư gồm: đền Yên Lâm (Lai Thành, Kim Sơn); đền Ngọc Lâm xã Yên Lâm; đền Từ Đường và đền Quảng Công xã Yên Thái huyện Yên Mô.
Giáo phận Phát Diệm
Phát Diệm là một giáo phận quan trọng với bề dày lịch sử của một nôi đạo phồn thịnh. Trong cuộc hành trình truyền giáo tại Việt Nam, tàu chở linh mục Alexandre de Rhodes cập bến Cửa Ba Làng đúng vào ngày 19-03-1627, ngày lễ kính thánh Giuse. Từ đó, Đắc Lộ đi qua cửa Thần Phù giảng đạo tại Văn Nho, giảng đạo tại Chợ Bò. Thành quả hoạt động truyền bá Tin Mừng của Đắc Lộ đã đặt được nền móng tương đối vững chắc cho nên thời đó người Công giáo truyền tụng câu ca dao: [1]
"Thứ nhất đền thánh Pha-Pha
Thứ nhì Cửa Bạng,
Thứ ba Thần Phù”.
Cửa Thần Phù cách Tòa Giám mục Phát Diệm ngày nay khoảng 8 cây số về mạn Tây. Giữa cửa Thần Phù có xứ đạo Hảo Nho, thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Theo truyền thuyết rằng chính tại Hảo Nho, Đắc Lộ dựng một cây thánh giá xây bằng vôi, chiều cao và chiều ngang 1 mét 6 tấc, cánh thánh giá có hình bánh lái tàu, đặt trên đỉnh núi cao.

  1. ^ Tủ sách Dũng Lạc

Di tích cửa biển Thần Phù

Vị trí
Di tích Thần Phù là một địa danh xưa, khá nổi tiếng. Đó là cửa sông Chính Đại đổ ra biển, vốn là một cửa biển cũ thuộc xứ Thanh Hóa nay thuộc địa bàn xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Cửa này xưa có tên là Thần Đầu, đời Trần gọi là Thần Phù. Ngày nay khu vực này đã nằm sâu trong đất liền, thuộc lưu vực sông Càn. Cửa nằm trên vách đá có khắc chữ "Thần" lớn hướng ra biển, phía dưới là khu vực người hành hương có thể thăm viếng.

Truyền thuyết kể rằng, vua Hùng mang quân đi Nam chinh qua vùng cửa biển Thần Phù gặp gió to, sóng dữ, không đi được, may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi ban sự trở về, đạo sĩ đã mất ở dọc đường. Vua Hùng cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân” (người dẹp yên được sóng dữ). Hiện nay đền thờ và những di chứng khác vẫn còn ở thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Cửa Thần Phù nổi tiếng trong lịch sử là là nơi linh thiêng, hiểm trở, luôn có sóng to gió lớn nguy hiểm, thường hay lật thuyền bè qua lại. Ai đi qua cũng phải cúng tế Thủy thần. Ca dao xưa có câu: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù; Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Từ việc chèo lái con thuyền qua cửa Thần phù là nơi có dòng nước xoáy rất nguy hiểm, câu ca dẫn đến việc phải chèo lái con thuyền cuộc đời qua cửa biển trần gian. Từ chỗ chèo lái đi đến việc tu thân tích đức. Theo chữ nho thì tu có nghĩa là sửa, còn tu thân là sửa mình. Ở đâu mà không phải sửa mình, vì nhân vô thập toàn, nếu còn khuyết điểm thì còn phải sửa.

Một số sự kiện liên quan đến cửa Thần Phù:
- Theo thư tịch cổ, tháng 11 năm 43, sau khi tiêu diệt xong lực lượng kháng chiến của Hai Bà Trưng, Mã Viện trực tiếp chỉ huy 20.000 quân cùng 2.000 tàu thuyền lớn nhỏ tiến vào Cửu Chân (Thanh Hoá) tiến đánh lực lượng kháng chiến của lão tướng Đông Dương bằng hai đường thuỷ, bộ. Cánh quân bộ bị chặn đứng lại trước núi rừng vùng Tam Điệp ngày nay. Cánh quân thuỷ bị chao đảo trước sóng to, gió lớn của biển Thần Đầu (Thần Phù). Mã Viện phải sai quân đào sông qua dãy núi đá vùng này mà thư tịch cổ gọi là Tạc Khẩu.
- Vào cuối thế kỷ thứ X, khi Đinh Tiên Hoàng vừa mới mất (năm 979), tên phản thần Ngô Nhật Khánh cùng quân Chiêm Thành tiến ra Hoa Lư đánh tiêu diệt triều nhà Đinh, nhưng vừa tới cửa cửa Thần Phù thì bị gió bão đánh chìm. Nhật Khánh chết đuối, chúa Chiêm may mắn thoát nạn.

Thi hào Nguyễn Trãi có bài thơ chữ Hán Quá Thần Phù hải khẩu, bản dịch như sau:

Thần Phù qua đó lúc đêm khuya
Gió mát trăng thanh cảnh tuyệt kỳ
Măng vút nghìn đầu, non dựng đứng
Rắn bò một giải, nước quanh đi
Non sông như cũ đâu hào kiệt
Trời  đất vô tình lắm biến di
Hồ Việt mừng nay về một cõi
Biển khơi tăm ngạc bặt im kỳ
(Bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi)

Hiện trạng
Ngày nay, cửa Thần Phù không còn nữa, nó đã bị lấp cạn dần và lùi sâu vào trong đất liền, bên trong phần đất của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nhưng địa danh xưa thì vẫn còn được nhắc đến.

Cửa biển Thần Phù

Hạ lưu sông Đáy, đất Ninh Bình đầu thế kỷ 11, đến chùa Đông Hải - chùa Thiên Đô, còn nghe sóng vỗ. Phía trước trông xa bóng Hòn Nẹ, Thần Phù, núi An Tiêm, động Từ Thức... Dải núi có hang động kéo dài địa mạch Tam Điệp - Biện Sơn, mục đầu của dãy Trường Sơn. Chúng tôi về Nga Sơn thăm căn cứ Ba Đình, nơi tụ nghĩa dưới cờ Cần Vương của Lãnh binh Đinh Công Tráng, (quê Nham Tràng, Thanh Liêm, Hà Nam), thời đầu kháng Pháp, rồi thuê thuyền, tìm vào nơi phát tích câu ca:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm...

Đủ biết, thời ấy sóng dữ, réo quanh ngọn núi có chữ 'Thần', thủ bút của chúa Trịnh Sâm (1771) đánh dấu mốc , nay 'Cửa Thần' đã yên vị trong đất liền (xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Biển mênh mông bãi ngang vốn nông, lại không có dòng hải lưu chảy qua, phù sa sông Hồng, sông Thái Bình trườn theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, được núi che chắn sóng, làm cho mặt biển khá êm, lại gặp lúc trời yên gió thuận chỉ vài ngày đoàn dời đô vượt biển an toàn, còn địa lợi đến thời nay cho ta mở những khu nghỉ mát, du lịch...

Sông cũ đổi dòng, thắt cổ bồng ôm trọn miền đất sa non mơn mởn như dáng nàng tiên nữ uốn mình trước biển. Cát ngấy mặn, nơi có thứ rau Quan Âm, hạt tám thơm, nếp cái hoa vàng ta chỉ được thưởng thức vào dịp lễ Tết cổ truyền. Nhớ ngày về thăm nông trường Rạng Đông, gặp cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc, đang ngày đêm đắp đê lấn biển, trồng cói, cấy lúa. Đêm văn nghệ đoàn kết Bắc - Nam, tôi xúc động đọc bài thơ tặng các chiến binh anh hùng phương nam: Sông thắt cổ bồng xòe nếp váy/ Vòng eo hoa lý nước non mình/ Sông Đáy, sông Ninh chùng dải lụa/ Gió quẩn theo chân gái Đông Bình./ Ai bảo đất này như hũ rượu/ Cất bằng men ruộng nếp Quần Liêu/ Ta bảo đất này như chiếc đó/ Đơm cả khơi xa, nhịp thủy triều/ Ai bảo đất này như sanh cói/ Dệt vừa cả nước chiếu gường đôi/ Ta bảo đất này như hạt tám/ Thơm thảo lòng dân tự mấy đời... Đừng ví von nhiều e chẳng đủ/ Mười năm một xã biển cho người/ Đầu sóng Cồn Mờ vừa lấp ló/ Rạng Đông chừng đã bớt xa xôi (Miền Hạ)...

Vịnh biển ấy, năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ nhất (Giáp Thân 1044), vua Lý Thái Tông xuất quân chinh phục Chiêm Thành qua cửa Đại Ác. Giai thoại còn ghi, vua tôi nhà Lý được Áp Lãng Chân Nhân trợ giúp, sóng yên, bể lặng, ngài đổi tên là cửa Đại An, nay thuộc tỉnh Nam Định.

Thuyền quân đưa vua Lý và tướng sĩ trở về kinh đô theo mạch sông Hồng, đến hành điện Lý Nhân (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nơi này bao lần đón nhà vua nghỉ khi đi kinh lý bên ngoài, khi về cày ruộng tịch điền, xem dân gặt lúa...

Hai thế kỷ sau, tháng Chạp năm Tân Hợi (1311), Trần Anh Tông xuất chinh đường biển, vỗ yên biên thùy phía nam. Có lẽ từ đó con đường du lịch biển Việt Nam mở ra tự thời trung đại. Bình yên trở về, ngài ghé thuyền thăm núi An Tiêm - Sự tích trái dưa thời Hùng Vương, lại thăm động đá tương truyền nơi Từ Thức gặp Tiên... Thuận buồm, ghé thăm Dục Thúy Sơn, ứng tác bài thơ 'Đánh Chiêm Thành về đậu thuyền cửa biển Phúc Thành', đủ biết thời đó, đất thành phố Ninh Bình vẫn được coi là cửa biển. Huyện Kim Sơn, mãi tới năm Minh Mệnh thứ 10 (1830) mới được lập do công Nguyễn Công Trứ.

Bờ biển Nam Định dài 72 cây số, công đầu khai khẩn thuộc các quý tộc nhà Trần. Trưởng công chúa Thái Đường, con vua Trần Thái Tông, được vua cha hạ giá gả cho Hầu tước Vũ Tính quê Lục Ngạn (Bắc Giang). Tướng Vũ Tính tham gia trận đánh quân Nguyên ở ải Nội Bàng. Chồng mất, công chúa xin triều đình cho về khai khẩn đất Bắc Hà - Thi Liệu (xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản), giờ chỉ cách thành phố Nam Định non chục cây số. Làng mới do công chúa lập có trại thủ (đầu làng), trại vỹ (cuối làng), còn có cả soi chợ (bãi chợ), bãi phơi lưới...

Bãi biển nương dâu, đến thời Lê mới thấy các vị liệt tổ xứ Quần Anh (huyện Hải Hậu), tìm đến khai hoang lập ấp. Theo thư tịch 'Địa án tư điền thế nghiệp' do các liệt tổ tâu trình lên triều đình vua Lê, xin khai thác bãi bồi Lạch Lác, ghi rõ mốc giới tứ cận. Theo đó, phương Đông trông ra Núi Nẹ, Thần Phù. Phương Nam: 'Quán vu thập bát xích thủy thâm', có nghĩa là mốc giới biển tới độ sâu 18 sải nước thềm lục địa, vẫn thuộc giang phận Quần Anh...

Còn đất Thái Bình, thời Đinh - Tiền Lê cũng ầm ì sóng biển. Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình), nơi đóng quân của tướng Trần Minh Công (một trong Mười hai sứ quân). Theo 'Bùi gia thế trạch', (gia phả họ Bùi), mô tả thời đó, Bố Hải hoang vu, bãi lầy sú vẹt thành rừng, sông lớn chảy qua có thuồng luồng, cá độc, lại có trại Phương Man của người Chiêm Thành sinh sống (nay xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)... Từ năm 1828, cư dân các ngả từ Kiến Xương, Vũ Thư, cả dân tỉnh Nam Định, Hà Nam,... lưu tán vì các trận hồng thủy, tìm đến khẩn hoang, lập ra những lý, giáp, hình thành đất đai huyện Tiền Hải, (Tiền Hải có nghĩa là đất trước biển)...

Ôn cố tri tân, để hình dung bãi biển thuở xưa từng là một cung đường do Thiên Đô tiên phong tướng quân Đào Cam Mộc dong thuyền dời đô mùa Thu năm Canh Tuất (1010). Đâu phải không gặp trở ngại, nhưng do chuẩn bị kỹ, đoàn thuyền hơn trăm mũi giương buồm, thuận gió, kíp lên thành Đại La, nơi kinh đô mới. Thế mà đã nghìn năm qua...

----------------
Tham khảo 'Lịch sử Đảng bộ Thái Bình', NXB Chính trị Quốc gia 2000. 'Quần Anh dấu xưa mở đất' Hội VHNT Nam Định 2003.

Nam Ông mộng lục - Hồ Nguyên Trừng

Hồ Nguyên Trừng, còn gọi là Lê Trừng, tự là Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông. Ông là con trai của Hồ Quý Ly, anh của Hồ Hán Thương, (không rõ năm sinh, năm mất).
 Chính ông có ý nhường ngôi cho em Hồ Hán Thương, nhưng anh em vẫn có điều bất hoà. Hồ Quý Ly từng khuyên anh em ông:
                    “Thiên giả phú, địa giả tải,
                     Huynh đệ nhị nhân như hà bất tương ái?
                     Ô hô! ai tai hề ca khảng khái”.
       Dịch:
                    Trời thì che, đất thì chở,
                    Anh em hai người sao chẳng niềm nở.
                    Ô hô! Xót thay chừ lời ca trăn trở!

     (Vì biết chuyện và đem lời răn trên đây truyền ra ngoài cho thiên hạ biết, viên cận thần Nguyễn Ông Kiều bị Quý Ly giết).

    Trước đó, khi phụ thân của ông chưa lật đổ nhà Trần, dưới triều Trần Thuận Đế, ông phụ trách Thượng Lân tự - một quan thự chuyên xét xử việc ngục tụng mà các đời trước gọi là Viện Đăng văn kiểm pháp. Năm Kỷ Mão (1399), đời Trần Thiếu Đế, ông giữ chức Tư đồ.

   Nhà Hồ được dựng lên, ông giữ chức Tả tướng quốc. Mặc dù bề ngoài tỏ ý thần phục nhà Minh, nhưng ông, cha và em ông vẫn nghĩ cách chống đối, củng cố chủ quyền độc lập. Thời thế không thuận lợi, đến ngày 12-5 Âm lịch năm Đinh Hợi (1407), cả ba cha con ông và người cháu là Hồ Nhuế (con Hồ Hán Thương) đều bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc).

   Minh Anh Tông phong cho ông chức Tả thị lang bộ Công, Chính nghị đại phu tư trị doãn. Lại nữa, vua Minh không thừa nhận gia đình ông là dòng dõi Ngu Thuấn, bắt buộc phải đổi họ khác, ông đổi lại là Lê Trừng.

   Sống cảnh lưu đày nơi đất khách, ông có sáng chế súng thần công, loại trọng pháo khiến Trung Quốc được tiếng là phát minh khí giới chiến tranh.

   Nam Ông mộng lục (1 cuốn) do ông soạn tại Trung Quốc (tên tác giả ghi trên sách: Lê Trừng) in trong bộ tùng thư Hàm phân lâu bí kíp, t. IX, in ảnh theo bản viết tay cũ từ đời Minh.

   Sách không chia số quyển, trong mục lục có đề 31 thiên mục, nhưng kiểm lại trong sách như sau đây, chỉ có 28 thiên mục mà thôi; thiếu ba mục, sau mục 23 là: Mệnh thông thi triệu, Thi chí công danh; Tiểu thi lệ cú. Mỗi mục nói một chuyện, đã xảy ra ở Việt Nam về đời Lý, Trần, Mục lục của sách nêu rõ các đề mục sau đây:

1. Nghệ vương thủy mạt (Đầu đuôi truyện Trần Nghệ Tông)
2. Trúc Lâm thị tịch (Nói về sự băng hà của vua Trần Nhân Tông, hiệu Trúc Lâm).
3. Tổ linh định mệnh (Linh hồn của ông là Trần Nhân Tông quyết định ngôi vua cho cháu là Trần Minh Tông)
4. Đức tất hữu vị (Việc vua Minh Tông lên làm vua)
5. Phụ đức trinh minh (Việc vợ vua Duệ Tông đi tu)
6. Văn táng khí tuyệt (Nghe tin cha là Trần Thái Tông mất cũng tắt thở)
7. Văn Trịnh ngạnh trực (Chuyện Chu Văn An tính thẳng)
8. Y thiện dụng tâm (Chuyện thầy lang khéo dùng thì giờ chữa bệnh)
9. Dũng lực thần dị (Chuyện Lê Phụng Hiểu dùng sức mạnh lạ thường phá giặc)
10. Phu thê tử tiết (Chuyện hai vợ chồng Ngô Miễn cùng tử tiết dưới áp lực quân Minh, đời Vĩnh Lạc)
11. Tăng đạo thần thông (Việc thi tài chống yêu quái giữa Phật tăng Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền).
12. Tấu chương minh nghiệm (Tờ tâu lên thiên đình có ứng nghiệm)
13.  Áp lãng chân nhân (Chuyện đạo sĩ họ La đem pháp thuật dẹp sóng biển cho vua Lý, con cháu của người ấy tên là La Tu).
14. Minh Không thần dị (Chuyện nhà sư Nguyễn Minh Không thần hoá lạ thường, vẫn ở Giáo Thủy mà chữa được bệnh vua Lý, tức là đức thánh Khổng Lộ ở chùa Keo Nam Hà) (?)
15. Nhập mộng liệu bệnh (Chuyện nhà sư Quán Viên chữa mắt cho Trần Anh Tông trong giấc mộng)
16. Ni sư đức hạnh (Chuyện bà sư tu đắc đạo)
17. Cảm khích đồ hành (Chuyện Trần Đạo Tái hăng hái đi bộ)
18. Điệp tự thi cách (Nói về bài thơ lối điệp tự của Trần Thánh Tông)
19. Thi ý thanh tân (Phẩm bình thơ hay của Trần Nhân Tông trong tập Đại Hương Hải ấn)
20. Trung trực thiện chung (Chuyện hai anh em Phạm Ngộ, Phạm Mại trung thực mà giữ được trọn vẹn tiết tháo. Phạm Mại có Kính Khê thi tập)
21. Thi phúng trung gián (Chuyện Trần Nguyên Đán làm thơ can vua Nghệ Tông, không được bỏ về. Trần Nguyên Đán giỏi về tính lịch, có sách Bách thế thông kỷ thư)
22. Thi dụng tiền nhân cảnh cứ (Làm thơ lại dùng câu thơ cũ của thi nhân mà khen thi nhân ấy; chuyện Nguyễn Trung Ngạn làm thơ viếng Trần Toại hiệu Sầm Lâu, tác giả Sầm Lâu tập)
23. Thi ngôn tự phụ (Lời thơ khoe khoang của Nguyễn Trung Ngạn)
24. Thi tửu kinh nhân (Chuyện Hồ Tông Thốc uống rượu khỏe, làm thơ nhiều)
25. Thi triệu dư khương (Chuyện Nguyễn Thánh Huấn là ông ngoại của cha Lê Trừng, tức ông ngoại Hồ Quý Ly giỏi thơ, gọi là tổ thơ phương Nam, làm bài Điền viên mạn hứng có ảnh hưởng đến gia thế Lê Trừng)
26. Thi xứng tướng chức (Thơ của hai anh em Trần Nghệ Tông tiễn sứ Nguyên, làm khi chưa lên làm vua)
27. Thi thán chí quân (Nói Trần Nguyên Đán làm thơ tự thán để can vua)
28. Quí khách tương hoan (Nói việc tướng Mạc Ký, người Đông Triều làm thơ xướng họa khi đi tiên sứ Nguyên là Hoàng Thường)

   Trước 28 mục kể trên có các bài tựa của Hồ Huỳnh, một quan thượng thư đồng triều với Lê Trừng, viết năm Chính Thống thứ 5 (1440); thứ đến bài tựa của tác giả đề năm Chính Thống thứ ba (1438), đề rõ Giao Nam Lê Trừng Mạnh Nguyên tự. Cuối sách có bài hận tự của Tống Chương người Việt Nam, làm quan triều Minh, viết năm Chính Thống thứ bảy (1442) cũng đề rõ Giao Nam Tống Chương thư. Sau cùng là bài bạt của Tôn Dục Tú, viết Năm Canh Thân (1440) nói về việc xuất bản sách này.

    Bài tựa Nam Ông mộng lục do chính ông viết như sau:

( Bản dịch) Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu này vậy”, huống hồ nhân vật cõi Nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn được ai nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách đặt tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới! Một là để biểu dương các mẫu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng truyện vặt, nhưng cũng là để góp vui những lúc vui chuyện. “Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông chép đều là người thiện, vậy thì trong các truyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được, còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là mộng, ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời: “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải mộng là gì? Các bậc đại nhân quân tử có thấu cho chăng? Còn hai tiếng Nam Ông thì chính là tên chữ, của Trừng tôi vậy”.

Tham khảo thêm:
Hồ Nguyên Trừng - Wikipedia
Hồ Nguyên Trừng - Vietsciences

Áp lãng chân nhân La Viện

La Viện là một đạo sĩ lừng danh sống ở thời nhà Lý, không rõ năm sinh, năm mất, quê xã Nhuệ Trại, huyện Thuần Kính, Thanh Hóa (nay là huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá).

Khi vua nam chinh, thuyền qua cửa biển Thần Phù bị trở gió, phải ở lại đấy hơn một tháng. Khi nhà vua trai giới, khiến ông ngồi thuyền đi trước. Ông phụng mạng lên đường, bể lại lặng sóng. Vua hạ chiếu phong ông làm “Áp Lãng chân nhân” rồi lập đền thờ ở phía Nam cửa biển Thần Phù, lưu một toán quân đã theo ông đánh giặc ở lại đấy phụng thờ. Nay con cháu của các quân lính ở lại thờ phụng tại các thôn Nhân Phẩm, Phù Sa và Anh Tốt, thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Nguyên tác truyện "Áp Lãng chân nhân" của  Hồ Nguyên Trừng trong tác phẩm "Nam Ông mộng lục".
Đời Tống Nhân Tông, vua nhà Lý nước An Nam tự mang quân thuyền đi đánh Chiêm Thành. Khi tới cửa biển Thần Đầu, sóng gió nổi lên hết ngày này sang ngày khác, không thể vượt biển được. Vua nghe nói ở núi gần đấy có người đạo sĩ, một mình sống trong am, bèn cho vời đến để khấn cầu. Đạo sĩ nói:
- Vua tự có phúc lực, thần cam đoan muôn một không có gì đáng lo. Ngày mai cứ việc lên đường chớ sinh lòng nghi ngại!
Nửa đêm trời dừng gió. Sáng sớm khi ra tới ngoài biển, nhìn xa thấy sóng cao như núi, nhưng đoàn thuyền đi đến đâu thì sóng gió yên lặng đến đó. Bấy giờ lại thấy vị đạo sĩ đang bước đi trên mặt sóng, lúc ở đằng trước, lúc ở đằng sau, trông rất rõ ràng, song người không thể đến gần được thôi.
Ngày quân trở về đến núi Thần Đầu, đạo sĩ ra nghênh tiếp. Vua mừng và úy lạo. Đạo sĩ nói:
- Thần biết nhà vua phúc dày, không có gì đáng lo, ấy là nhờ thần linh giúp đỡ, chứ không phải hạ thần này có tài cán gì.
Vua càng lấy làm lạ, phong cho hiệu “Chân nhân đè sóng”. Lại ban thưởng rất nhiều vàng lụa, nhưng đạo sĩ không nhận. Sau đó đạo sĩ vào núi rồi không biết đi đâu. Hỏi người trong làng, họ đều nói:
- Đạo sĩ từ dạo ấy đi hái thuốc lâu nay không thấy ở am.

Chân nhân họ La, không rõ tên, người ta đều dùng hiệu “Áp lãng chân nhân” để gọi. Từ thuở tuổi xanh đã bỏ vợ con để đi vào đạo. Trong số con cháu đời sau của Chân nhân có La Tu thi đỗ Tiến sĩ, làm quan thời Trần Nghệ Vương đến chức Thẩm hình viện sứ, rồi mất. Người này chính tôi (*) quen biết.
Hồ Nguyên Trừng (*) .

Thần Phù hải khẩu

Thần Phù hải khẩu - 神浮海口
của Lê Thánh Tông, năm 1471

Cửa biển Thần Phù xưa ở giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, gắn với huyền thoại từ thời vua Hùng đã xuất hiện đạo sĩ La Viện được phong hiệu là Ấp Lãng Chân Nhân từng nhiều lần hiện lên đè sóng cả, giữ cho biển lặng giúp nhà vua đi đánh giặc. Nơi đây sóng gió dữ nên có câu ca dao: "Lênh đênh qua cửa Thần Phù, Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm". Cửa biển nay đã bị bồi lấp. Vua làm bài thơ này trên đường đi đánh Chiêm Thành vào năm 1471.

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt
穿雲躡徑一條紆
重駕征軺作遠遊
地濬江沱通上國
天將砥拄障橫流
胡王枉載佃河石
羅援輕乘壓浪舟
此去海門三十九
計程何日到烏州
Xuyên vân nhiếp kính nhất điều hu,
Trùng giá chinh diêu tác viễn du.
Địa tuấn giang đà thông thượng quốc,
Thiên tương chỉ trụ chướng hoành lưu.
Hồ Vương[1] uổng tái điền hà thạch,
La Viện[2] khinh thừa áp lãng chu.
Thử khứ hải môn tam thập cửu,
Kế trình hà nhật đáo Ô Châu[3]?

  1. Hồ Vương: Chỉ vua Hồ Quý Ly, trong thời kỳ chống quan Minh, đã sai quân lính tải đá lấp nhánh sông từ sông Hổ đến cửa biển Thần Phù
  2. La Viện: Ngày xưa, vua Hùng Vương đi đánh miền nam, đoàn chiến thuyền đến cửa Thần Phù thì bị gió chướng ngăn trở không đi được, nhờ đạo sĩ La Viện dùng phép làm biển lặng mới. Nhưng khi trở về thì La Viện mất. Vua truy phong là Áp Lãng chân nhân (vị chân nhân dằn được sóng)
  3. Ô Châu: Châu Ô thời Lê nay là địa phận tỉnh Thừa Thiên