05/05/2011

Nguyên mẫu của bài hát “Người con gái sông La”


Sau chuyến công tác, nhạc sĩ Doãn Nho kể lại cho nhà thơ Phương Thúy những tình cảm về ngã ba Đồng Lộc anh hùng. Hai ngày sau, bài thơ Người con gái sông La ra đời. Nhạc sĩ lập tức ngồi lại với cây đàn. Hai giờ sau, bài hát ra đời.


Bài thơ ra đời từ... một đôi mắt

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Phương Thúy - con gái thứ 3 của nhà phê bình văn học Hoài Chân (đồng tác giả cuốn “Thi nhân Việt Nam” cùng người anh ruột Hoài Thanh) trong một trại dưỡng lão ở Bắc Ninh. Nói về hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Người con gái sông La", bà Thúy không còn nhớ chính xác thời gian mình làm bài thơ ấy. Bà chỉ nhớ đó là thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Khi ấy, bà Thúy đang là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội. Một lần, bà vô tình đọc báo có bài viết về cô gái La Thị Tám, là thanh niên xung phong ở Hà Tĩnh. Cô gái La Thị Tám đã không quản ngại mưa bom bão đạn, đứng ra làm "hoa tiêu" chỉ đường cho xe qua.

Sau khi đọc bài ấy, đặc biệt là nhìn vào đôi mắt trong sáng đến rạng ngời của cô thanh niên xung phong, bà Phương Thúy đã thức trắng 1 đêm. Dường như đã có một dòng sông sôi sục chảy trong tâm hồn nữ thi sỹ này. Bài thơ ra đời sau đêm đó. Ban đầu, bài thơ có tựa đề "Cô gái sông La". Sau này, khi phổ nhạc, nhạc sỹ Doãn Nho đã đổi tên thành bài "Người con gái sông La".
Kể về bài hát này, bà Thúy vui vẻ lẩm nhẩm hát cho chúng tôi nghe: "Người con gái sông La, đôi mắt trong tựa ngọc. Đôi dòng nước sông La, xanh như trời quê ta...". Khi sáng tác bài thơ ấy, bà Thúy chưa đến sông La bao giờ, sáng tác hoàn toàn qua cảm nhận về bài viết và đôi mắt của cô gái La Thị Tám. Khi ấy, bà cũng rất mong được một lần đến với sông La nhưng chưa có điều kiện.

Mãi hơn 30 năm sau, bà Phương Thúy mới có điều kiện đến với Hà Tĩnh. Nơi bà ghé thăm và ấn tượng hơn cả chính là ngã ba Đồng Lộc - biểu tượng của tinh thần thanh niên xung phong. Đây cũng là lần đầu bà được tận mắt nhìn thấy sông La chảy. Bấy giờ bà mới thêm khẳng định cảm nhận của mình về con người nơi đây hơn 30 năm trước là không sai. Về với mảnh đất này, bà thực sự gặp được những con người hồn hậu, thuần khiết như những gì bà đã nhìn thấy trong đôi mắt của cô gái La Thị Tám.



Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông đã có nhiều lần tham gia các đợt đi thực tế sáng tác ở Trường Sơn, Tây Nguyên. Mỗi lần đi như thế, ông và đồng nghiệp đều qua ngã ba Đồng Lộc - một địa danh nổi tiếng là khốc liệt, đau thương và anh dũng - nên thường phải đi vào ban đêm. Chuyến đi công tác vào cuối năm 1970, may mắn làm sao, ông cùng đoàn lại đi qua đó vào ban ngày. Nhờ thế, ông đã được tận mắt nhìn thấy quả đồi nơi chị La Thị Tám hằng ngày đứng đếm số bom mà quân thù trút xuống mảnh đất này. Thời điểm ấy, Đồng Lộc trở thành một “túi bom”. Đất ở Đồng Lộc nhão ra thành những bãi bùn mênh mông, bởi vì bom thù giội xuống suốt ngày đêm nhằm chặt đứt “con đường huyết mạch” này.

Cách đó ít lâu, ngày 24/7/1968, mười cô gái trong tiểu đội nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh khi tất cả họ đang ở độ tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Tất cả những câu chuyện nhỏ ở đây đã dệt nên huyền thoại về Đồng Lộc.

Người lính nào đi qua đây cũng rưng rưng xúc động và nó để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghệ sĩ. Bởi vậy, đã có nhiều bài hát nổi tiếng ra đời lấy cảm hứng từ vùng đất này như Chào em cô gái Lam Hồng, Cô gái mở đường...

Nhạc sĩ Doãn Nho cũng vậy. Từ những cảm xúc về vùng đất anh hùng này, bài hát Người con gái sông La ra đời và ca sĩ Tường Vi là người đầu tiên thể hiện rất thành công bài hát này với những giai điệu tha thiết: “Em vừa 18 tròn đẹp như xuân sang/ Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang/ Em là chồi biếc, của mùa xuân Việt Nam ”.

Chị La Thị Tám nghe được bài hát này vào một buổi sáng mùa đông năm 1970. Và chị đã khóc vì xúc động. Sau này, chị kể lại: “Tôi nhận ra đó là tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái khu Bốn vốn kiên cường, bất khuất. Tôi chỉ thay mặt họ “xuất đầu lộ diện” một tí thôi!”.

Câu chuyện về nữ anh hùng trẻ tuổi
Chị La Thị Tám sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trong tiếng bom rơi đạn nổ cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nên con người ở đây đã luôn tỏ rõ ý chí và nghị lực sắt đá.

Năm 1967, chị Tám vào bộ đội (thuộc đơn vị chủ lực Đại đội 2 - Giao thông vận tải) đóng tại Đồng Lộc. Theo miêu tả của nhiều người, chị là một người con gái bé nhỏ như... hạt mít, nhưng lại đảm nhiệm một công việc nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết.

Chị luôn đứng trên một quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc  vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ thì rơi ở khu vực nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm tiêu, chờ bộ đội công binh đến rà phá. Hiện lên giữa bom đạn mù trời là một người con gái dũng cảm, kiên trung, cái sống và cái chết thật mong manh mà miệng vẫn luôn nở nụ cười.

Đoàn xe nào đi qua khu vực này cũng được nghe kể về người con gái kiên trung ấy... Nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy, chị Tám vẫn chỉ cười giản dị: “Nhiệm vụ là trên hết mà. Lúc đó, chúng tôi không có thời gian nghĩ về cái chết. Cả một thế hệ đều nghĩ rằng, nếu có mất mát, hy sinh, ấy là vì Tổ quốc!”. Chị Tám vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969, khi mới 22 tuổi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo - người đã phải tốn khá nhiều phim cho “người mẫu” La Thị Tám, chậm rãi kể lại: “Phụ nữ bao giờ cũng đẹp. Nhưng có lẽ, trong chiến tranh, họ lại đẹp rạng ngời và trở thành niềm say mê trong cuộc đời cầm máy ảnh đi chiến trường của tôi. Có nhiều “người mẫu” đã lọt vào ống kính của tôi, nhưng La Thị Tám đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên.

Tôi dành ra một cuộn phim để chụp về cô gái ấy (mà thời đó, phim ảnh cũng là một thứ xa xỉ đấy!). Lúc đó là cuối năm 1967, Tám chưa phải là... Anh hùng. Cô ấy bé nhỏ như một... thiếu niên, vậy mà...”.

Những bức ảnh của nghệ sĩ Văn Bảo hồi đó được đăng nhiều lần trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong... Hình ảnh của chị La Thị Tám cũng xuất hiện trên báo Sự thật của Liên Xô (cũ) năm 1968 và nghệ sĩ Văn Bảo đã đoạt một giải Vàng tại cuộc thi ảnh do báo này tổ chức năm đó.

Người con gái 20 tuổi mà bé nhỏ như một thiếu niên ấy, hằng ngày khoác tấm vải dù lên vai, tay cầm ống nhòm đứng vắt vẻo trên chiếc chòi dựng tạm bên sườn núi như chiếc chòi của một người canh rừng để làm nhiệm vụ trong 5 năm (1967 - 1972). Nghệ sĩ Văn Bảo hỏi chị Tám: “Có sợ không?”, thì chị cười nói: “Sợ gì. Nó ở bên kia bán cầu sang ném bom giết hại dân mình, thì mình phải đánh chứ!”.

Cuộc gặp gỡ sau 33 năm
Chiến tranh kết thúc, như nhiều cô gái từng phục vụ chiến trường trở về, chị Tám chuyển ngành, lập gia đình, sống một cuộc sống giản dị, đời thường. Con gái đầu lòng của chị hiện là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Sư phạm Vinh. Có ai gợi lại chuyện về quá khứ, bao giờ chị cũng nói rằng: “Vinh quang, công lao đều thuộc về tập thể”.

Năm 2003, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh tổ chức một chương trình ca nhạc mang tên Âm vang sông La, nhạc sĩ Doãn Nho mới có dịp về lại Hà Tĩnh và đến thăm gia đình riêng của chị La Thị Tám. “Người con gái sông La kiên cường” ấy giờ đã 56 tuổi.

Trông chị vẫn giản dị như một cô thanh niên xung phong xưa. Hiện chị đang là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng các cơ quan dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh. Hơn 30 năm đã qua đi, tác giả và nhân vật mới có dịp gặp nhau, nhưng cuộc hội ngộ là một kỷ niệm đẹp với cả hai người.

Nhạc sĩ Doãn Nho nói với “nhân vật” của mình: “Chúng ta tự hào vì đã có mặt trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tự hào vì tuổi trẻ của chúng ta đẹp. Cả một thế hệ đẹp vô cùng. Thế mới thắng Mỹ được chứ!”. Sau buổi gặp gỡ ấy, nhạc sĩ Doãn Nho có tâm sự: “Ấn tượng đẹp về La Thị Tám: kiên cường, giản dị, chân thực, khiêm tốn... vẫn được giữ nguyên đúng như những tình cảm khi tôi viết Người con gái sông La cách đây hơn 30 năm...”

Nguyễn Thị Việt Hà