23/05/2011

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511)

Dưới đây là nội dung Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511), nằm trên Bia thứ 11, ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội:



Trời mở vận trung hưng, năm đúng kỳ mở khoa thi lớn. Mùa xuân năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), Bộ Lễ kính theo lệ cũ, triệu tập sĩ tử tới kinh đô để đua tài, chọn được hạng ưu tú 47 người. Ngày 17 tháng 4, Hoàng thượng1 đích thân ra bài văn sách, hỏi về đạo trị nước xưa nay. Sai Đề điệu là Suy trung Tán trị Minh kính Khiêm cung công thần Đặc tiến Khai phủ Kim tử Vinh lộc đại phu Bình chương quân Quốc trọng sự Thống quốc chính Thái tể Thái sư Thiệu quốc công thượng trụ quốc Lê Quảng Độ, Phụng trực đại phu Công bộ Thượng thư Tư chính Thượng khanh Trình Chí Sâm; Giám thí là Gia hạnh đại phu Hộ bộ Tả Thị lang Khuông nghĩa doãn Phạm Hạo, Tả Thị lang Bộ Lại Triều liệt đại phu Tu thận doãn Đặng Minh Khiêm cùng các quan hữu ty chia giữ các việc.
Sáng hôm sau, các viên đọc quyển là Phụng trực đại phu Lễ bộ Thượng thư Tư chính Thượng khanh Nguyễn Bá Nhậm, Phụng trực đại phu Thượng thư Ngự sử đài Đô Ngự sử Tư chính thượng khanh Nguyễn Thì Ung, Phụng trực đại phu Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên Tư chính Thượng khanh Đỗ Nhạc dâng quyển lên đọc. Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp. Lấy bọn Hoàng Nghĩa Phú 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Bùi Doãn Hiệp 9 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Doãn Minh 35 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày mồng 4 tháng 5, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, cho truyền loa xướng tên người thi đỗ, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Bộ Lại vâng ban ơn mệnh, Bộ Lễ vâng rước bảng vàng treo ở ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban áo mũ cân đai cho các vị tân khoa, ban ơn cho dự yến tiệc, lễ đãi hiền đầy đủ cả lễ nhạc.
Đặc sai Dương vũ Hiệp mưu Đồng đức Hiệu trung khai quốc công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tán lý Hiệp thuận Khai phủ Nghi đồng Tam ty Bình chương quân Quốc trọng sự Phụ quốc Thừa tướng Thượng tể Thái phó Nghĩa quốc công Thượng trụ quốc Nguyễn Văn Lang sửa lại trường Quốc học, cất nhà bia mới ở phía đông và tây. Lại sai Tá lý công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Công bộ Thượng thư Chưởng lục bộ Sự tri Hiển Phúc điện Uy Quận công Thượng trụ quốc Nguyễn Bá Lân trông coi việc dựng bia đề tên, sai từ thần soạn bài ký. Thần kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Trời đất sinh thành muôn vật ắt phải nhờ có bốn mùa để thành công. Đế vương muốn yên định muôn phương ắt phải tìm người hiền giúp trị. Cho nên nhà Ngu do không bỏ sót người hiền ở đồng quê mà tới mức thái bình thịnh trị. Nhà Chu có cảnh vui vẻ khang ninh là nhờ trong triều có nhiều hiền tài. Đến các đời Hán, Đường, Tống vua nào muốn có trị bình, ắt phải coi việc dùng hiền kén sĩ làm việc đầu tiên.
Kính nghĩ thánh triều:
Thái Tổ Cao hoàng đế dùng võ công dẹp yên thiên hạ, lấy văn giáo dấy nền thái bình, bắt đầu lập Quốc học mà văn giáo từ đây ngày càng mới.
Thái Tông Văn hoàng đế nối tiếp nghiệp lớn, sửa sang điển chế, bắt đầu mở khoa thi mà văn minh càng thêm rực rỡ.
Nhân Tông Tuyên hoàng đế kính theo mưu lược của tiên đế, tuân giữ điển chương chế độ, nuôi dưỡng dự bị sẵn người tài, Nho phong phấn phát.
Thánh Tông Thuần hoàng đế chỉnh đốn mối giềng, sửa sang trị bình giáo hóa, chuộng văn trọng đạo, học vấn cao minh, chăm lo tác thành người tài tuấn, các bậc chân Nho nối nhau xuất hiện.
Hiến Tông Duệ hoàng đế giữ cơ nghiệp sẵn thành, mở mang cội nguồn giáo hóa, lựa dùng hiền tài, nhân tài chen vai cùng tiến.
Kính nghĩ hoàng đế bệ hạ ứng vận hội, trời thuận người theo, vỗ yên chúng dân trong nước, tới trường giảng đạo, chuộng mến nho phong, bắt đầu từ khoa Tân Mùi là khoa thứ nhất trong đời Trung hưng2. Nghĩ hiền tài là nguyên khí của quốc gia, phải chăm lo bồi đắp; khoa mục là điển chương của thánh triều, phải chấn hưng trước hết. Kẻ hào kiệt thường vẫn từ con đường ấy mà tiến thân. Nhà Đường được Phòng [Huyền] Linh mà đạt được nền thái bình đời Trinh Quán. Nhà Tống được Hàn Kỳ mà đặt thiên hạ vào thế yên như Thái Sơn. Trải qua các đời nhờ khoa mục thu dụng được nhân tài mà giúp ích cho nền trị đạo, quan hệ lớn lao như thế.
Lòng thánh đế lo xa, đã có sẵn quy hoạch, đối với những người thi đỗ trong bảng này đặc cách ban khen bạt dụng, đều bổ cho giữ các chức ở Hàn lâm viện và các chức khoa đài ở các bộ, ơn huệ rất dày, chế độ rất đủ. Đăng khoa thì có sách chép, đề danh thì có bia là cốt để lưu tiếng thơm trong sử sách, làm rạng rỡ sự nghiệp đến muôn đời.
Kẻ sĩ ở đời được ghi tên vào tấm đá này thực may mắn biết bao! Nếu quả thật biết dồi mài trung nghĩa, cố gắng liêm cần để có tiếng là vị Trạng nguyên trung hiếu, là bậc quân tử ngọc vàng, thì mai sau các học trò nhà Thái học sẽ chỉ vào tên mà nói: Vị này vào hàng khoa bảng, vị này là bậc hiền tài, người hiền lương biết vậy mà lấy làm khích lệ. Thảng như có kẻ ngoài ngọc trong đá, bề ngoài như chim phượng mà tiếng kêu như cú diều, dua nịnh giống phường dựa cột, hèn nhát như lũ bó tay, thiên hạ đời sau sẽ chê cười nói: kẻ ấy tà học như hạng Công Tôn Hoằng, kẻ kia phản lại kinh sách cũng như Vương An Thạch, kẻ gian ác thấy đấy mà tự lấy làm răn. Được như thế thì tấm bia này dựng lên, trong chỗ ngợi khen còn có ngụ ý khuyên răn nữa.
Rực rỡ lớn lao thay quy mô chọn dùng hiền tài của liệt thánh. Kế thừa cao cả thay mực thước chọn dùng hiền tài của Thánh thượng ngày nay. Đó là vì muốn cho trời đất sinh hiền tài mà lập tâm, vì muốn nước nhà sử dụng được hiền tài mà lập pháp; và vì có ý mở ra cuộc thái bình muôn nghìn đời cho thiên hạ vậy.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo Thượng thư Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu Tri Kinh diên sự Đôn Thư bá trụ quốc Lê Tung3 vâng sắc soạn.
Triều liệt đại phu Trung thư giám Trung thư xá nhân Tu thận doãn Ngô Ninh vâng viết chữ (chân).
Lễ bộ Tả Thị lang hành Kim quang môn Đãi chiếu Tri Thượng bảo giám các cục sự Nguyễn Huệ vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 15 tháng 3 niên hiệu Hồng Thuận thứ 5 (1513).
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
HOÀNG NGHĨA PHÚ 黃義富4 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.
TRẦN BẢO TÍN5 người huyện Nghi Xuân phủ Đức Quang.
VŨ DUY CHU 武維周6 người huyện Sơn Minh phủ Ứng Thiên.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 9 người:
BÙI DOÃN HIỆP 裴允協7 người huyện Phù Vân phủ Thường Tín.
NGUYỄN HY TÁI 阮熙載8 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
LÊ TƯ 黎鼒9 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN DUY TƯỜNG 阮維祥10 người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.
MAI BANG 梅邦11 người huyện Quế Dương phủ Từ Sơn.
ĐÀO KHẮC CẦN 陶克勤12 người huyện Thủy Đường phủ Kinh Môn.
PHAN CHÍNH NGHỊ 潘正誼13 người huyện Nghi Xuân phủ Đức Quang.
PHẠM VĨNH TOÁN 范永算14 người huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN DỰC 阮翌15 người huyện Tiên Du phủ Từ Sơn.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 35 người:
TRẦN DOÃN MINH 陳允明16 người huyện Bình Hà.
LÊ BÁ KHANG 黎伯康17 người huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên.
THÁI KÍNH 蔡敬18 người huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang.
TRẦN BÍCH HOÀNH 陳璧宏19 người huyện Duy Tiênphủ Lị Nhân.
NGÔ SĨ KIỆN 吳士健20 người huyện Thanh Trìphủ Thường Tín.
ĐÀO XUÂN VI 陶春圍21 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.
DƯƠNG KHẢI 楊楷22 người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.
ĐÀM SÂM 譚森23 người huyện Văn Lãngphủ Tam Đới.
NGUYỄN Ý 阮懿24 người huyện Giao Thuỷ phủ Thiên Trường.
KIỀU VĂN BÁ 喬文伯25 người huyện Phúc Lộc phủ Quốc Oai.
NGUYỄN QUANG 阮珖26 người huyện Tiên Du phủ Từ Sơn.
NGUYỄN THÌ KHẮC 阮時克27 người huyện Lập Thạch phủ Tam Đới.
NGỌ CƯƠNG TRUNG 午剛中28 người huyện Yên Phúphủ Từ Sơn.
TRẦN VIẾT THỨ 陳曰恕29 người huyện Thạch Hà phủ Hà Hoa.
NGUYỄN HỮU QUAN 阮有官30 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
NGUYỄN HUYỄN 阮鉉31 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
NGUYỄN VÔ ĐỊCH 阮無敵32 người huyện Gia Định phủ Thuận An.
NGUYỄN BẠT TỤY 阮拔萃33 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
NGÔ ĐĨNH TRỰC 吳挺直34 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
PHẠM NGUYÊN 范元35 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
TẠ ĐÌNH HUY 謝廷暉36 người huyện Duy Tiên phủ Lị Nhân.
LA THẾ NGHIỆP 羅世業37 người huyện Thuần Hựu phủ Hà Trung.
ĐÀO TRUNG HÒA 陶中和38 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
ĐOÀN VĂN THÔNG 段文通39 người huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên.
NGUYỄN THÁI HOA 阮泰華40 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.
QUÁCH THU ƯNG 郭秋鷹41 người huyện Tiên Lữ phủ Khoái Châu.
NGUYỄN TUỆ 阮鏏42 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
NGUYỄN MẬU THUẬT 阮懋述43 người huyện Chí Linh phủ Nam Sách.
NGUYỄN THU 阮秋44 người huyện Thiện Tàiphủ Thuận An.
LÊ VÔ CƯƠNG 黎無疆45 người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.
NGUYỄN VĂN ĐÀM 阮文談46 người huyện Kim Thành phủ Kinh Môn.
VŨ PHI HỔ 武非虎47 người huyện Hoành Bồ phủ Hải Đông.
LƯƠNG ĐỨC MẬU 梁德懋48 người huyện Đường Hào phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN MẠO 阮瑁49 người huyện Kim Bảng phủ Lị Nhân.
NGUYỄN KIỀU 阮嶠50 người huyện Đông Yên phủ Khoái Châu.
Chú thích:
1. Chỉ vua Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516).
2. Chỉ sự kiện Lê Oanh, con của Cẩm Giang vương Lê Sùng đem quân từ Thanh Hóa về Thăng Long lật đổ Lê Uy Mục (1505-1509). Vì Uy Mục là kẻ tàn bạo vô đạo giết hại cả bà nội, chú ruột và các anh em. Sử ghi cuộc chính biến này là cuộc Trung hưng đời Hồng Thuận.
3. Lê Tung (1452-1514), nguyên họ tên là Dương Bang Bản , quê xã An Cư huyện Thanh Liêm (nay thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam). Ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) năm 33 tuổi. Sau khi thi đỗ được vua ban quốc tính họ Lê và đặt tên là Tung. Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lễ, Thiếu bảo Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Đôn Thư bá và từng được cử đi sứ.
4. Hoàng Nghĩa Phú (1840-?) nguyên quán xã Mạc Xá huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây), trú quán xã Đan Khê huyện Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tham tri Chính sự kiêm Đô Ngự sử.
5. Trần Bảo Tín (1483-?) người xã Khải Mông huyện Nghi Xuân (nay thuộc huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại. Khi nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê, ông ẩn ở tại núi Hành Sơn rồi mất. Nhà Lê Trung hưng, truy tặng ông chức Thượng thư và được phong phúc thần.
6. Vũ Duy Chu (1484-?) người xã Tu Lễ huyện Sơn Minh (nay thuộc huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang.
7. Bùi Doãn Hiệp (?-?) người xã Đào Xá huyện Phù Vân (nay thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đô Ngự sử.
8. Nguyễn Hy Tái (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Đoán sự.
9. Lê Tư (?-?) người làng Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đoán sự.
10. Nguyễn Duy Tường (?-?) người xã Lý Hải huyện Yên Lãng (nay thuộc xã Phú Xuân thị xã Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tham chính. Khi mất, ông được tặng chức Thị lang và phong phúc thần.
11. Mai Bang (1482-?) người xã Đào Tai huyện Quế Dương (nay thuộc xã Đào Viên huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm. Có tài liệu ghi ông là Đỗ Bang.
12. Đào Khắc Cần (1477-?) người xã Mai Đồng huyện Thủy Đường (nay thuộc xã Liên Khê huyện Thủy Nguyên Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hàn lâm.
13. Phan Chính Nghị (1476-?) người xã Phan Xá huyện Nghi Xuân (nay là thuộc xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Đô Ngự sử. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, ông tử nạn. Sau triều Lê Trung hưng, phong ông làm phúc thần.
14. Phạm Vĩnh Toán (1488-?) người xã Hoa Xá huyện Gia Phúc (nay thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Thượng thư, tước hầu. Sau khi mất, ông được thăng Quận công.
15. Nguyễn Dực (1476-?) người xã Nội Duệ huyện Tiên Du (nay là xã Nội Duệ huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến chức Giám sát, có tài liệu ghi làm đến Hàn lâm Hiệu lý.
16. Trần Doãn Minh (?-?) người xã Lan Khê huyện Bình Hà (nay thuộc xã Việt Hồng huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Khoa trước, năm 1508 ông đi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, nhưng vì không đỗ hạng cập bị (Tam khôi) nên ông không nhận. Khoa thi này, ông cũng chỉ đỗ Tiến sĩ và làm quan Thượng thư, tước Văn An bá. Ông được cử đi sứ hai lần.
17. Lê Bá Khang (?-?) người xã Phủ Lý huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Thiệu Trung huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan đến Tham chính.
18. Thái Kính (1479-?) người xã Kiệt Thạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thanh Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh), trú quán xã Đậu Liên cùng huyện. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình.
19. Trần Bích Hoành (1470-?) người xã Điền Khê huyện Duy Tiên (nay thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi ông là Trần Hoành Bích. Huyện Duy Tiên, đời Lê sơ tên là Duy Tân, thành lập và đặt tên vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông. Đến Lê Trung hưng từ năm Hoằng Định thứ 1 (1601), vì kiêng huý Kính Tông Lê Duy Tân, nên đổi là huyện Duy Tiên.
20. Ngô Sĩ Kiện (?-?) người xã Cổ Điển huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Tứ Hiệp huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hiến sát sứ.
21. Đào Xuân Vi (?-?) người xã Lạc Thực huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Đồng Lạc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tự khanh.
22. Dương Khải (?-?) người huyện Vũ Ninh (nay thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông là người chống lại nhà Mạc và bị bắt. Sau trốn vào Thanh Hóa, làm quan nhà Lê đến Thừa chính sứ Quảng Nam.
23. Đàm Sâm (?-?) người xã Xa Kệ huyện Văn Lãng (nay thuộc xã Văn Lãng huyện Đồng Hỉ tỉnh Bắc Thái). Ông làm quan Thượng thư. Tên huyện đúng phải là Yên Lãng, có thể do bia mờ khi khắc lại đã nhầm Yên thành Văn .Vì đời vua Lê Thánh Tông, khi định bản đồ toàn quốc (năm 1469) đặt huyện Yên Lãng thuộc phủ Tam Đái.
24. Nguyễn Ý (1485-?) người xã Thư Nhi huyện Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định). Ông làm quan Tự khanh. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Xác , có lẽ nhầm vì hai chữ này tự dạng hơi giống nhau.
25. Kiều Văn Bá (1479-?) người xã Đông Ma huyện Phúc Lộc (nay thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên.
26. Nguyễn Quang (1475-?) người xã Lũng Sơn huyện Tiên Du (nay thuộc huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư.
27. Nguyễn Thì Khắc (?-?) người xã Lũng Tuyền huyện Lập Thạch (nay thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ. Sau làm quan với nhà Mạc.
28. Ngọ Cương Trung (?-?) người xã Xuân Lôi huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử. Khi nhà Lê mất, không theo Mạc và tiết nghĩa.
29. Nguyễn Viết Thứ (1487-1556) người xã Phất Não huyện Thạch Hà (nay thuộc xã Thạch Bình huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Đô Cấp sự trung. Khi nhà Lê mất, ông không chịu theo nhà Mạc và tiết nghĩa.
30. Nguyễn Hữu Quan (?-?) người xã Văn Xá huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Hòa huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Tự khanh.
31. Nguyễn Huyễn (?-?) người xã Kim Bài huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim An huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thừa chính sứ.
32. Nguyễn Vô Địch (?-?) người xã Ngô Cương huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
33. Nguyễn Bạt Tụy (1485-?) người xã Phá Lãng huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phá Lãng huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Khoa trước, năm 1508, ông đi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, nhưng ông không nhận và khoa này đi thi lại, nhưng vẫn chỉ đỗ hàng Tam giáp. Ông làm quan nhà Mạc, giữ các chức quan, như Thượng thư, Thái bảo, tước Quận công và từng hai lần được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
34. Ngô Đĩnh Trực (?-?) người làng Đình Bảng huyện Đông Ngàn (nay là xã Đình Bảng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo. Khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang.
35. Phạm Nguyên (?-?) người xã Triền Đông huyện Đường An (nay thuộc xã Cẩm Chế huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đếnPhó Đô Ngự sử.
36. Tạ Đình Huy (1474-?) người xã Hồng Khê huyện Duy Tân (nay thuộc xã Yên Nam huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Cấp sự trung.
37. La Thế Nghiệp (1485-?) người xã Lục Trúc huyện Thuần Hựu (nay thuộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sát sứ.
38. Đào Trung Hòa (1462-?) người xã Lai Xá huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Lương huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tổng binh. Sau khi mất, ông được phong phúc thần.
39. Đoàn Văn Thông (?-?) người huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Đồng Xuân quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), trú quán xã Lương Xá huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Lương huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ.
40. Nguyễn Thái Hoa (?-?) người xã Kim Độ huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Nam Chính huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương), trú quán xã Đại Dục cùng huyện. Ông làm quan Đình uý.
41. Quách Thu Ưng (?-?) người xã Phượng Tường huyện Tiên Lữ (nay thuộc xã Nhật Tân huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan đến Thừa chính sứ.
42. Nguyễn Tuệ (?-?) người xã Kim Bài huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim An huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan thời nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước bá.
43. Nguyễn Mậu Thuật (1478-?) người xã Yên Ninh huyện Chí Linh (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Thừa chính sứ. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Mậu Đạt .
44. Nguyễn Thu (1488-?) người xã Lai Xá huyện Thiện Tài (nay thuộc xã Phú Lương huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông ra làm quan thời nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước bá. Huyện Thiện Tài, đời Mạc đổi là huyện Lương Tài.
45. Lê Vô Cương (1481-1526) người xã Thiên Biều huyện Yên Lãng (nay thuộc xã Kim Chung huyện Đông Anh TP. Hà Nội). Ông làm quan Thị Lang. Khi xẩy ra cuộc biến loạn Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông đang giữ chức Hữu Thị lang Bộ Lễ và không chịu khuất phục nên bị giết.
46. Nguyễn Văn Đàm (?-?) người xã Chiêu Độ huyện Kim Thành (nay thuộc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Hàn lâm.
47. Vũ Phi Hổ (?-?) người xã Dư Xá huyện Hoành Bồ (nay thuộc huyện Hoành Bồ tỉnh Quảng Ninh). Ông từng làm quanPhó Đô Ngự sử.
48. Lương Đức Mậu (?-?) người xã Phù Vệ huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan đến Hàn Lâm.
49. Nguyễn Mạo (?-?) người xã Bất Đoạt huyện Kim Bảng (nay thuộc xã Châu Sơn huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
50. Nguyễn Kiều (?-?) người xã Lưu Xá huyện Đông Yên (nay thuộc xã Nghĩa Dân huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan đến Cấp sự trung.

22/05/2011

Những khoa thi trong thời nhà Trần (Văn hiến Thăng Long)

“Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu được người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử”[1]. Xét về khoa cử thời Trần, trong khoảng 175 năm tồn tại, nhà Trần tổ chức 13 kỳ thi Tiến sĩ, 4 kỳ thi lại viên và 2 khoa thi tam giáo.
 
Thi Thái học sinh (Tiến sĩ)
Thời nhà Trần thi Thái học sinh (cũng như thi Tiến sĩ đời sau). Lúc đầu thi Thái học sinh được chia làm Tam giáp (Nhất giáp, Nhị giáp ,Tam giáp) cho những người đỗ cao. Sau, đặt làm Tam giáp (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Năm 1246, định lệ cứ 7 năm tổ chức thi một lần nhưng cũng không thực hiện được lâu dài. Nội dung thi cử thì gần như đến những khoa thi cuối chúng ta mới thấy ghi chép trong chính sử. Vì vậy, không đủ tư liệu để so sánh nội dung thi cử thời Trần thay đổi ra sao trong suốt gần hai thế kỷ tồn tại. Những người đỗ trong các kỳ thi thì chính sử chỉ chép tên những người đỗ cao (Tam giáp, Tam khôi), số còn lại chúng ta không có thông tin gì hơn. Thứ tự các khoa thi và danh sách những người đỗ đạt chúng tôi căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) và cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919[2], tuy nhiên có những nhân vật trên cơ sở tư liệu cho phép, chúng tôi bổ sung đầy đủ hơn.

1. Khoa thi đầu tiên được tiến hành vào năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông. 
Bắt đầu định lệ chia người đỗ đạt làm Tam giáp. ĐVSKTT chép: "Tháng 2 năm 1232, thi Thái học sinh. Đỗ Đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm, đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu, đệ tam giáp là Trần Chu Phổ"[3]. Có thể con số nho sinh đỗ đạt trên thực tế còn cao hơn nữa nhưng theo ghi chép của sử cũ thì chúng ta chỉ biết được tên của 5 người đỗ ở khoa thi này. Cách thi thế nào cũng không thấy sử cũ ghi chép.

- Trương Hanh, người xã Mạnh Tân, huyện Trường Tân. Nay thuộc xã Gia Lương, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương. Đỗ Đệ nhất giáp khoa thi 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Lưu Diễm, người xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa. Nay là thôn Vĩnh Trị xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Sách Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục chép Lưu Diễm còn có tên là Lưu Bính, em của Lưu Miễn, viễn tổ của Lưu Thành). Đỗ thứ hai Đệ nhất giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông. Sách Lịch huyện đăng khoa bị khảo chép ông đỗ năm 22 tuổi.
- Đặng Diễn, người làng An Để, huyện Thư Trì. Nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đỗ thứ nhất Đệ nhị giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông. Ông là cháu của Đặng Nghiêm. Sách Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục không ghi quê quán của ông.
- Trịnh Phẫu, người xã Hạ Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội. Đỗ thứ hai Đệ nhị giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Trần Chu Phổ, người làng Đan Nhiễm, huyện Tế Giang. Nay là thôn Đan Nhiễm, xã Văn Phúc, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Đỗ Đệ tam giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông

2. Khoa thi thứ hai vào năm 1239. 
ĐVSKTT chép: "Tháng 2 năm 1239, thi Thái học sinh. Đỗ Đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát, đệ nhị giáp là Ngô Khắc, đệ tam giáp là Vương Thế Lộc"[4] .
- Lưu Miễn, người xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa. Nay là thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là anh của Lưu Diễm, viễn tổ của Lưu Thành. Đỗ thứ nhất Đệ nhất giáp khoa thi năm 1239, dưới triều vua Trần Thái Tông. Năm 1250 được triều đình cử giữ chức An phủ sứ phủ lộ Thanh Hóa, lúc ấy ông đã được ban tước Minh tự, rồi làm quan đến chức Tả tư mã (chức quan võ cao cấp), có công trong việc đắp đê các nơi ở Thanh Hóa.
- Vương Giát, chưa rõ quê quán. Đỗ thứ hai khoa thi năm 1239 dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Ngô Khắc, có tài liệu chép là Ngô Thống, chưa rõ quê quán. Đỗ Đệ nhị giáp khoa thi năm 1239, dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Vương Thế Lộc, chưa rõ quê quán. Đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm 1239, dưới triều vua Trần Thái Tông .

3. Khoa thi thứ 3 vào năm 1247.
Từ khoa thi này triều Trần bắt đầu lấy, đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (Tam khôi), hai khoa thi trước chỉ lấy đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp. Cũng từ khoa thi này, chúng ta mới biết được số người đỗ đạt cụ thể (48 người) nhưng chỉ chép tên những người đỗ tam khôi còn lại cũng không có thông tin gì hơn. ĐVSKTT chép: "Đinh Mùi năm thứ 16 (1247). Mùa Xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò.

Cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Lấy đỗ Thái học sinh 48 người cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ chia làm Giáp ất (nhất - nhì - NPC) chưa có tên tam khôi (tức trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa- NPC), đến đây mới đặt"[5]. Khoa thi này chỉ biết được họ tên của ba người còn 48 người kia không có tư liệu nào cho biết ( sách Lịch triều đăng khoa ghi đỗ chỉ có 40 người).
- Nguyễn Hiền, sinh năm 1235, chưa rõ năm mất, người xã Dương A, huyện Thượng Hiền. Nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm 1247 dưới triều vua Trần Thái Tông khi ông mới 13 tuổi.
- Lê Văn Hưu, sinh năm 1230, mất năm 1322, người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn. Nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1247 đời Trần Thái Tông. Năm 1272, dưới triều vua Trần Thánh Tông, ông được cử giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Lê Văn Hưu làm quan đến chức Binh Bộ thượng thư, tước Nhân uyên hầu. Ông là người chấp bút viết bộ sử Đại Việt sử ký. Sách ĐVSKTT chép: "Nhâm Thân (1272). Mùa Xuân, tháng Giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng. Cộng 30 quyển, dâng lên, vua xuống chiếu khen ngợi"[6]. Nhưng rất tiếc bộ sử này đến nay không còn toàn bộ, chỉ còn lại 30 đoạn luận được Ngô Sĩ Liên đưa nguyên văn vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư hiện còn đến nay. Khi mất Ông thọ 93 tuổi.
- Đặng Ma La, người xã Tốt Động, huyện Chương Đức. Nay là thôn Tốt Động (làng Kết), xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây(cũ). Ông đỗ Thám hoa năm 14 tuổi, khoa thi năm 1247 dưới triều vua Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Thẩm hình viện.

4. Khoa thi thứ tư vào năm 1256.
Từ khoa thi này, để khuyến khích các sĩ tử ở các vùng xa Kinh đô nhà Trần đặt ra lệ lấy đỗ hai trạng nguyên, một Trạng nguyên Kinh và một Trạng nguyên Trại. Tứ trấn ở miền Bắc gọi là Kinh, từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào gọi là Trại. ĐVSKTT chép: "Mùa Xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò, lấy Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên, Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên, Chu Hinh đỗ Bảng nhãn, Trần Uyên đỗ Thám hoa lang; lấy đỗ thái học sinh 43 người (Kinh 42 người, Trại 1 người), cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Khi mới dựng nước, số người thi đỗ chưa chia ra kinh trại, đỗ đầu gọi là trạng nguyên, đến đây chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có kinh trại khác nhau (Cương mục, quyển 6 chú Quốc Lặc là người huyện Thanh Lâm (châu Hồng); Trương Xán là người Hoành Sơn (châu Bố Chính); Chu Hinh là người huyện Tế Giang (lộ Bắc Giang); Trần Uyên là người huyện Đường Hào (châu Hồng)"[7]. Phan Huy Chú dẫn lại lời nhận xét của sử thần họ Ngô: "Đời nhà Trần...lấy Hoan ái làm các châu ở xa, giáo dục chưa được thấm nhuần, nhân tài không nhiều bằng ở các kinh trấn, cho nên mỗi khoa thi lấy người giỏi nhất về bên trại gọi là trại trạng nguyên, cho ngang hàng với kinh trạng nguyên để tỏ ý khuyến khích"[8].
- Trần Quốc Lặc, người xã Giang Hạ, huyện Thanh Lâm. Nay là thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Đỗ KinhTrạng nguyên khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Được kết hôn với công chúa. Sau được phong phúc thần.
- Trương Xán, sinh năm 1228, không rõ năm mất, người xã Hoành Bồ, huyện Hoành Sơn sau đổi là châu Bố Chính. Nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông đỗ Trạng nguyên Trại năm 29 tuổi khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Trương Xán làm quan đến chức Thị Lang, hàm Tự khanh.
- Trần Chu Hinh, người làng Đan Nhiễm, huyện Tế Giang. Nay là thôn Đan Nhiễm xã Văn Phúc, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Là anh của Trần Chu Phổ (đỗ Thái học sinh khoa thi 1232). Trần Chu Hinh đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện thị độc. Sách ĐVSKTT chỉ ghi tên của ông là Chu Hinh, nhưng sách Lịch đại đăng khoa cho biết ông họ Trần.
- Trần Uyên, người làng Liêu xá, huyện Đường Hào. Nay là thôn Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Dương. Đỗ Thám hoa khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Làm quan đến chức đại học sĩ.

5. Khoa thi thứ 5 vào năm 1266. 
"Tháng 3 (1266), mở khoa thi chọn học trò, lấy đỗ Kinh Trạng nguyên Trần Cố, đỗ Trại Trạng nguyên Bạch Liêu, đỗ Bảng nhãn không rõ tên, đỗ Thám hoa lang Hạ Nghi, đỗ thái học sinh 47 người, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. "[9]. Khoa thi này chúng ta chỉ biết được họ tên của ba người, người đỗ Bảng nhãn tiếc thay không rõ tên tuổi.

- Trần Cố, người xã Phạm Triền, huyện Thanh Miện. Nay là thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương. Trú quán tại xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn. Nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông thi đỗ Trạng nguyên Kinh khoa thi năm 1266, dưới triều vua Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Thiên chương các đại học sĩ.
- Bạch Liêu, người làng Nguyễn xá, huyện Đông Thành. Nay là xã Diễn Ninh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trú quan tại làng Nghĩa Lư, huyện Thanh Lâm, nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Là môn khách của Chiêu minh Đại vương Trần Quang Khải. Sách ĐVSKTT chép: "Liêu người Nghệ An, tính thông minh nhớ lâu, đọc sách 10 dòng một lúc. Bấy giờ Quang Khải quản châu Nghệ An, Liêu chỉ làm gia khách, không ra làm quan"[10]. Đỗ Trại Trạng nguyên khoa thi năm 1266, dưới triều vua Trần Thánh Tông.

- Hạ Nghi, người xã Hạ Lạc, huyện Thanh Lâm. Nay thuộc huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Đỗ Tham hoa khoa thi năm 1266, dưới triều vua Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Thị lang.

6. Khoa thi thứ 6 vào năm 1275.
Từ khoa thi này, nhà Trần lại bỏ Trạng nguyên Kinh, Trại mà chỉ lấy đỗ Trạng nguyên. ĐVSKTT chép: "ất Hợi, năm thứ 3 (1275). Mùa Xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò, lấy đỗ Trạng nguyên Đào Tiêu, đỗ Bảng nhãn không rõ tên, đỗ Thám hoa lang Quách Nhẫn, đỗ thái học sinh 27 người, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Trước đây hai khoa Bính Thìn và Bính Dần chia làm trạng nguyên kinh và trại, đến đây hợp lại làm một"[11].

- Đào Tiêu, người xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Khoa mục chí chép, Đào Tiêu ở xã Yên Hồ, huyện La Sơn. Nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh nghệ An. Đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1275, dưới triều vua Trần Thánh Tông. Sau khi mất được phong phúc thần.

- Quách Nhẫn, người xã Song Khê, huyện Yên Dũng. Nay là thôn Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Đỗ Thám hoa khoa thi năm 1275, đời Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Hành khiển.

7. Khoa thi thứ 7 vào năm 1304.
Chuẩn bị cho đợt thi này, trước đó 4 năm nhà vua xuống Chiếu cho các học trò trong nước gắng học tập để thi vào khoa sắp đến, "tháng 9 năm Kỷ Hợi (1299), xuống chiếu cho các học trò trong nước học tập để đợi khoa thi"[12]. Đây là khoa thi tập trung sĩ tử lớn nhất từ trước tới đó, "tháng 3 năm Giáp Thìn (1304), thi học trò trong nước, lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên làm thái học sinh hỏa dũng thủ, sung nội thư gia, lấy Bảng nhãn Bùi Mộ làm chi hậu bạ thư mạo sam, sung nội lệnh thư gia, lấy Thám hoa lang Trương Phóng làm hiệu thư quyền miện, sung nhị tư, lấy Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp, cả thảy 44 người thái học sinh; dẫn 3 người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng thành đi chơi đường phố ba ngày. Còn những người khác ở lại học tập cộng 330 người. Trung Ngạn mới 16 tuổi, đương thì gọi là thần đồng"[13].

Về cách thi, đến khoa thi này chính sử mới cho biết cách thức thi cử gồm 4 kỳ thi:

- Kỳ thứ nhất thi ám tả.

- Kỳ thứ hai thi kinh nghi kinh nghĩa.

- Kỳ thứ ba thi chiếu, chế, biểu.

- Kỳ thứ tư thi đối sách.

Chủ đề của mỗi kỳ như sau: "Trước thi ám tả thiên Y quốc và truyện Mục thiên tử để loại bớt. Thứ đến kinh nghi kinh nghĩa; đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) thì hỏi về " Vương độ khoan mãnh", theo luật "tài nan xạ trĩ"; đề phú thì dùng 8 vần "đế đức hiếu sinh, hiệp vu dân tâm". Kỳ thứ ba thì thi chiếu, chế, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách"[14]. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí chép tháng 11 năm ấy (tức năm 1304) có chiếu dùng bảy khoa để thi học trò trong nước. Nhưng Lịch triều hiến chương loại chí lại chép năm thi là 1305, theo tôi niên đại ghi trong ĐVSKTT đáng tin cậy hơn.

- Mạc Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu, người xã Lũng Động, huyện Chí Linh. Nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Từng là học trò của Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc. Đỗ Trạng nguyên trong khoa thi tháng 3 năm Giáp Thìn (1304), dưới triều vua Trần Anh Tông. Khi mới đỗ, vua Trần Anh Tông chê xấu, ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên để tự ví mình. Trong đó có câu: "không phải là bên trong trống rỗng không có gì: than cho số phận thuyền quyên gặp nhiều trắc trở. Nếu cái cuống lá của ta vẫn đứng thẳng, thì mưa gió có hại gì. Nhà vua xem xong khen hay, cất nhắc lên làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức nội thư gia. Mạc Đĩnh Chi không chỉ nổi tiếng học giỏi đỗ cao, danh tiếng "Lưỡng quốc trạng nguyên" lẫy lừng đương thời. Ông từng làm quan và hoạt động dưới 4 triều vua Trần: Trần Anh Tông (1293-1314), Trần Minh Tông (1314-1329), Trần Hiến Tông (1329- 1341) và Trần Dụ Tông (1341-1369) trong suốt gần 40 năm. Làm quan đến chức Nhập nội hành khiển Hữu ty Lang trung, Tả ty Lang trung đời vua Trần Minh Tông. Tác phẩm hiện còn 1 bài phú Hán được chép trong Quần hiền phú tập, 1 bài minh, 4 bài thơ được chép trong Việt âm thi tập và 1 bài phú Nôm Giáo tử phú được chép trong Thơ văn Lý- Trần, tập II, quyển Thượng. Tác phẩm ông viết sau khi đã chết lâm sàng 7 ngày, sau khi sống lại ông làm bài phú dạy con (còn được gọi là Giáo tử phú) thể hiện tình cảm sâu nặng của ông đối với con cái, gia đình.

- Bùi Mộ, hiệu Chuyết Trai, người xã Hưng Giáo, huyện Thanh Oai. Nay là thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Giáp Thìn (1304), dưới triều vua Trần Anh Tông. Khi mới đỗ được sung chức chi hậu bạ thư mạo sam (mạo sam: mũ và áo của chức bạ thư), sung nội lệnh thư gia. Tác phẩm hiện còn 1 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục.

- Trương Phóng, người Thanh Hóa. Trong sách Tam khôi bị lục dẫn lại sách Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo rằng, ở xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Lộc có Nguyễn Phóng. Có lẽ Nguyễn Phóng trong Vĩnh Lộc huyện chí và Trương Phóng được chép trong ĐVSKTT là một chăng?. Đỗ Thám hoa trong khoa thi năm 1304, dưới triều vua Trần Anh Tông. Làm hiệu thư quyền miện, sung nhị tư (quyền miện: mũ của chức bạ thư).

- Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), còn có tên là Cốt, người xã Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi. Nay là xã Thổ Hoàng, huyện Kim Thi, tỉnh Hải Dương. Đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1304, dưới triều vua Trần Anh Tông. Ông là một trong những nhân tài nổi tiếng của triều Trần, khi còn nhỏ đợc coi là thần đồng. Năm 1314, được triều đình cử đi sứ sang nước Nguyên. Năm 1323, vua Trần Anh Tông ngự về cung Trùng Quang có ý muốn xuất gia, làm bài thơ Chiêu ẩn (Rủ đi ở ẩn) cho Trung Ngạn, nhưng ông từ chối. Nguyễn Trung Ngạn từng giữ nhiều trọng chức của triều Trần, tháng 3 năm Nhâm Thân (1332), làm Nội mật viện phó sứ, giữ sổ sách ở nội sảnh cung Quan Triều. Tháng 7 (1332), làm tri Thẩm hình viện sự kiêm An phủ sứ Thanh Hóa, là người lập ra Bình doãn đường để xét kiện, nên việc kiện tụng được công bằng[15]. Năm Giáp Tuất (1334), Thượng hoàng Trần Minh Tôn tự cầm quân đi đánh nước Ai Lao thắng trận ở châu Kiềm (cũng gọi là châu Mật, ở Thượng lưu sông Lam, sau là huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An. Trung Ngạn là người đựơc Hoàng thượng sai mài sườn núi khắc chữ ghi công thắng trận. Tháng 9 năm Bính Tý (1336), Nguyễn Trung Ngạn làm An Phủ sứ Nghệ An, kiêm Quốc Sử viện giám tu quốc sử, hành Khoái châu lộ tào vận sứ. Trung Ngạn kiến nghị lập kho chứa thóc tô ruộng để chẩn cấp cho dân nghèo. Các lộ khác theo như thế mà làm. Đến năm Tân Tỵ (1341), Nguyễn Trung Ngạn làm Đại Doãn Kinh sư (nguyên trước ở Kinh sư đặt đại An phủ sứ, đến đây đổi làm đại Doãn), tức là người đứng đầu cai quản Kinh đô. Ông cùng với Trương Hán Siêu biên định bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư . Tiếc rằng đến nay không còn. Ông làm đến chức Hành khiển tri Khu mật viện sự (năm 1342), rồi Nhập nội hành khiển kiêm Khu mật viện vào năm 1351. Năm 1355, làm Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, nhập nội đại hành khiển, thượng thư hữu bật kiêm tri Khu mật viện sứ, thị Kinh diên đại học sĩ, trụ quốc khai huyện bá.

8. Khoa thi thứ 8 vào năm 1314. 
Khoa thi này, chính sử chép rất vắn tắt nên không thể biết rõ ai đỗ và số người đỗ đạt là bao nhiêu. ĐVSKTT chép: "Mùa Đông, tháng 10, thi Thái học sinh, cho tước bạ thư lệnh, sai cục chính là Nguyễn Bính dạy bảo học tập, để sau này bổ dụng"[16].


9. Khoa thi thứ 9 vào năm 1345.
Cũng như khoa thi trên, chính sử không chép rõ số người thi đỗ là bao nhiêu, nên không thể khảo cứu được.

Nhưng về nội dung thi thì vẫn qua 4 kỳ với nội dung:

- Ám tả.
- Cổ văn.
- Kinh Nghĩa (nghĩa của Kinh Thi).
- Thi phú.

ĐVSKTT chép: "Mùa Xuân, tháng 3, thi Thái học sinh, phép thi dùng ám tả và cổ văn, kinh nghĩa, thi phú"[17].

10. Khoa thi thứ 10 vào năm 1374.
"Thi đình các tiến sĩ, cho Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thâm đỗ Thám hoa, cho bọn La Tu đỗ Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ; đều cho ăn yến và áo xấp, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Dẫn ba người đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày. Theo lệ cũ, Thái học sinh 7 năm một lần thi, lấy 30 người đỗ mà thôi. Thi Trạng nguyên thì không có định lệ nhưng thuộc quan ở tam quán, thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và người có tước phẩm đều được vào thi cả"[18]. Giống như khoa thi năm 1304, khoa thi này, ba người đỗ đầu đều được đi thăm phố phường ở Kinh đô trong ba ngày.

- Đào Sư Tích, con ông Tri thẩm hình viện sự Đào Toàn Mân, người xã Cổ Lễ, huyện Tây Chân. Nay là Thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Có sách chép ông người làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Trú quán thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú. Đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông. Từ thi Hương đến thi Đình, ông đều đỗ đầu. Làm quan đến chức Nhập nội hành khiển. Dưới triều Hồ Quý Ly ông bị giáng chức Trung thư thị lang, Đồng tri Thẩm hình viện sự. Sau khi mất được phong phúc thần. Gia phả ghi ông thọ 47 tuổi. Tác phẩm có bài Tựa sách Bảo Hòa điện dư bút của Trần Nghệ Tông (đến nay không còn) và 1 bài phú chép trong sách Quốc hiền phú tập.

- Lê Hiến Phủ, người làng Trí An, huyện Đông Triều. Nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông. Làm quan đến chức Thị lang. Ông mưu giết Hồ Quý Ly bảo vệ triều Trần nhưng việc bại lộ nên bị xử trảm.

- Trần Đình Thâm, người xã Phúc Đa, huyện Đông Triều. Nay là thôn Phúc Đa, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Là anh của Trần Đình Cận. Đỗ Thám hoa khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông, từng được cử đi sứ sang nước Minh. Làm quan đến chức Ngự sử trung tán, quyền Giám tu quốc sử. Khi triều Hồ thay thế triều Trần, ông giả điếc không ra làm quan.

- La Tu, người xã Bái Hà, huyện Thuần Hựu. Nay là thôn Bái Hà Xuân, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông. Làm Tri phủ Thanh Hóa.

11. Khoa thi thứ 11 vào năm 1381. 
"Mùa Xuân, tháng 2, thi Thái học sinh"[19]. Nhưng ĐVSKTT không chép rõ có bao nhiêu người đỗ chỉ chép ngắn gọn là vậy, nên không thể khảo cứu được.

12. Khoa thi thứ 12 vào năm 1384. 
"Mùa Xuân, tháng 2, Thượng hoàng thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, cho bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh 30 người đỗ"[20]. Sau đó, số Tiến sĩ còn lại được điều vào làm thư sử ở cung Bảo Hòa, "Mùa Hạ, tháng 5, chọn số thái học sinh còn thừa lại cho làm thư sử ở cung Bảo Hòa"[21].

- Đoàn Xuân Lôi, người xã Ba Lỗ, huyện Tân Phúc. Nay là làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Giáp Tý (1384), đời Trần phế đế. Làm quan đến chức Trung thư hoàng môn thị lang kiêm tri ái châu thông phán. Chết tại chức.

- Hoàng Hối Khanh, người xã Bái Trại, huyện Yên Định (hay An Định). Nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Giáp Tý (1384), dưới triều vua Trần Phế đế. Về năm sinh của ông chỉ có sách Lịch đại đăng khoa ghi ông đỗ năm 23 tuổi. Nếu theo Lịch đại đăng khoa mà suy ra thì có thể ông sinh năm 1362. Từng làm quan trải các chức Tri huyện huyện Nha Nghi (nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Chính hình viện đại phu (năm 1391), An phủ sứ lộ Tam Đái (năm 1394), Phát vận ty (năm 1395). Sau khi triều Trần sụp đổ, Hoàng Hối Khanh làm quan cho triều Hồ, lãnh chức Thái thú Đông lộ, phụ trách việc đắp thành Đa Bang để chống giặc Minh; Hành khiển tả ty thị lang kiêm lĩnh Thái thú Thăng - Hoa. Năm 1405, Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm sứ giả phụ trách việc cắt đất (cát địa sứ), đã đem 59 thôn ở Cổ Lâu trả lại cho người Minh. Ông bị Hồ Quý Ly trách mắng tàn tệ vì trả đất nhiều quá. Năm 1407, giặc Minh đánh chiếm Thăng - Hoa, Hoàng Hối Khanh trên đường trở ra Bắc đã tự vẫn ở cửa biển Đơn Hay (cửa Hội).

13. Khoa thi thứ 13 vào năm 1393.
"Tháng 2 năm Quý Dậu (1393), thi Thái học sinh, cho bọn Hoàng Quán Chi, Lê Vị Tẩu, Mai Tú Phu, Đồng Thúc 30 người đỗ"[22].

- Hoàng Quán Chi, người xã Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm. Nay là thôn Hạ Yên Quyết, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Thượng thư Thẩm hình viện.

- Lê Vị Tẩu, người huyện Sơn Minh. Nay thuộc huyện ứng Hòa, Hà Nội. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Hàn Lâm.

- Mai Tú Phu, người huyện Thượng Phúc. Nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Thị lang.

- Đồng Thúc, chưa rõ năm sinh, mất năm 1407, người xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh. Nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Thị lang. Khi triều Trần sụp đổ, ông ra làm quan cho triều Hồ. Năm 1402, Hồ Hán Thương cho giữ chức Ngự sử trung tán và ban cho họ Ngụy vì là người thẳng thắn, dám can gián vua nên được Hồ Hán Thương cho đổi làm họ Ngụy để ví với Ngụy Trưng triều Đường Thái Tông. Khi quân Minh đánh vào Thanh Hóa, cha con Hồ Quý Ly chạy vào cửa biển Điển Canh (ở huyện Tĩnh Gia), Ngụy Thức khuyên nên tự thiêu để khỏi bị bắt đã khiến cho Hồ Qúy Ly cả giận, chém chết ông vào tháng 6- 1407.

Thi lại viên (viên chức)

Có bốn khoa thi tuyển lại viên dưới triều Trần:

Khoa thứ nhất cuộc thi tuyển lại viên bằng thể thức công văn. 
ĐVSKTT chép: "Mậu Tý, năm thứ 4 (1228), tháng 2, thi lại viên bằng thể thức công văn (bạ đầu sách). Người nào trúng tuyển thì sung làm thuộc lại ở các sảnh viện"[23]. Nhu cầu tuyển người làm việc ở các sảnh viện trong buổi đầu xây dựng vương triều là rất quan trọng. Chúng tôi xin dẫn số sảnh, viện thời Trần để có thể hình dung được phần nào số người cần tuyển qua các kỳ thi.

- Sảnh gồm có Trung thư sảnh (có Trung thư lệnh, thị lang, tả hữu gián nghị đại phu, tả hữu chính ngôn, tả hữu tham nghị, giữ việc đề nghị các việc lên vua và vâng tuyên mệnh lệnh); Môn hạ sảnh (vốn là quan triều cung hành khiển ty, đến đời Thiệu Phong thì đổi tên này, có các chức hành khiển, tả hữu ty lang trung, viên ngoại lang, giữ việc vâng theo lệnh chỉ của Thượng hoàng);Thượng thư sảnh (vốn là Thánh từ cung hành khiển ty, đến đời Thiệu Phong thì đổi tên này, có các chức hành khiển, tả phù, hữu bật, tả hữu bộc xạ, bộ thượng thư, tả hữu ty lang trung, viên ngoại lang, giữ việc vâng theo lệnh cỉ của Thượng hoàng) Bí thư sảnh (có bí thư giám, hiệu thư. Theo chế độ nhà Tống thì sảnh này giữ việc kinh tịch đồ thư, quốc sử thực lục, thiên văn nhật lịch; Nội thị sảnh (có các chức nội thị, thiên chương các học sĩ giữ việc hầu vua và tuyên chế lệnh).

- Viện gồm có Tuyên huy viện (có đại sứ và phó sứ; Theo chế độ nhà Tống thì Tuyên huy viện giữ sổ sách các ty các ban trong cung, cùng việc tế tự triều hội); Thẩm hình viện (có chức đại lý chính, khi tụng án đã thành, viện này định tội, lệ vào Hình bộ); Quốc sử viện (có đề điệu, giám tu quốc sử); Tập hiền viện (có học sĩ, cũng có Tập hiền điện); Hàn lâm viện (có các chức học sĩ, học sĩ thừa chỉ); Tam ty viện (đời Lý là đô hộ phủ sĩ sư, đời Trần sơ gọi là đô vệ phủ, đời Kiến Trung đổi tên này, lệ vào Ngự sử đài, xét đoán các án ngờ, có ba ty là Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính); Quốc học viện (do Thượng thư quản lãnh, giữ việc dạy học; cũng như Quốc tử giám của nhà Tống; Nội mật viện (tức là Khu mật viện của nhà Lý)[24].

Khoa thi thứ hai vào năm 1261:
"Thi lại viên bằng các môn viết và tính. Người đỗ sung làm duyện lại nội lệnh sử, các ty Thái y, Thái chúc khảo thí người nào tinh thông nghề ấy thì bổ vào chứ ấy"[25]. Những người làm việc trong Thái y ty chịu trách nhiệm chữa bệnh ở trong cung. Những người làm việc trong Thái chúc ty thì giữ việc lễ nhạc.


Khoa thi thứ ba vào tháng 3 năm Quý Mão (1363). 
ĐVSKTT chép: "Tháng 3 thi các sĩ nhân bằng văn nghệ để sung vào các quán các. Thi lại viên bằng viết chữ để sung làm thuộc viên các sảnh viện"[26]. Nếu như khoa thi trước nội dung thi theo thể thức công văn thì đến khoa thi này thi bằng viết chữ, chứng tỏ các quan viên được tuyển vào các sảnh, viện thời Trần được triều đình chú trọng tuyển dụng với các hình thức khác nhau.

Khoa thi thứ tư vào năm 1393 và cũng là khoa cuối cùng để tuyển lại viên.

Thi tam giáo

Hai khoa thi được tổ chức vào các năm 1227 và 1247. Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt là Toàn thư) chép ngắn gọn: "Đinh Hợi, năm thứ 3 (1227).

Thi con các nhà tam giáo (nghĩa là những người nối nghiệp các nhà Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo -TG)"[27]. Và, "Mùa Thu, tháng 8 (1247), thi các khoa thông tam giáo, Ngô Tần (Tần người Trà lộ) đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (đều người Thanh Hóa), Vũ Vị Phủ (người châu Hồng) đỗ ất khoa"[28].

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét: "Đời Lý Trần, đều chuộng Phật giáo và Đạo giáo, cho nên buổi ấy chọn người muốn được thông cả hai giáo ấy, dù là chính đạo hay dị đạo, đều tôn chuộng không phân biệt, mà học trò đi thi khoa ấy (khoa tam giáo) nếu không học rộng biết nhiều thì cũng không đỗ được"[29].

Nhìn chung, khoa cử thời Trần phát triển hơn thời Lý. Các khoa thi được tổ chức nghiêm túc, người đỗ đạt đúng thực chất và đều được triều đình trọng dụng. Đây là nguồn nhân lực bổ sung vào bộ máy lãnh đạo đất nước thời Trần. Rất tiếc, chúng ta không đủ tư liệu để thống kê đầy đủ số người đỗ đạt và nội dung các kỳ thi được biết đến không nhiều. Sử thần họ Ngô nhận xét: "Phép thi cử nước ta có chia ra giáp và đệ là bắt đầu từ đây. Nhưng niên hạn chưa định, phép thi chưa rõ, vì bắt đầu xây dựng thì phải như thế. Về sau mới định hạn 7 năm một khoa, đặt ra tam khôi, điều lệ mỗi ngày một nghiêm ngặt, ân điển mỗi ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, nhân tài đầy rẫy, so với nhà Lý trước thịnh hơn nhiều, cũng do ở đó"[30].
Nguyễn Thị Phương Chi
Theo: Đề tài KX.O9.08

06/05/2011

Nghiên cứu lịch sử dòng họ là yêu cầu tất yếu

Dòng họ là một hiện tượng Lịch sử - Xã hội đặc biệt mang tính phổ quát của nhân loại. Ý thức về dòng họ là dấu hiệu quan trọng đánh dấu bước phát triển của xã hội loài người từ mông muội đến văn minh. Dòng họ có từ trước khi xã hội phân chia thành giai cấp và một khi Nhà nước đã tiêu vong, thì dòng họ với tư cách là sự liên tục giữa ông cha và con cháu vẫn tồn tại.

Nói về dòng họ, người Trung Hoa từ thời cổ đại đã có 2 từ khác nhau là Tính và Thị. Tính là ký hiệu nói rõ một gia tộc đã sản sinh ra một con người nào đó. Bộ từ điển cổ nhất tương đối hoàn chỉnh là Thuyết văn giải tự hoàn thành vào năm 1000 sau Công Nguyên giải thích về chữ Tính như sau: “Nhân sinh dĩ vi tính, tòng nữ sinh”.

     Mọi người đều biết, thời cổ đại xa xưa, loài người đã trải qua chế độ thị tộc mẫu hệ , trong đó chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn. cả một tốp những người nam cùng lứa tuổi của thị tộc A được đưa đến thị tộc B làm chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa, con đẻ ra tất nhiên không biết bố mà chỉ sống với mẹ. Đó chính là nguyên nhân việc tạo ra chữ Tính bằng cách ghép chữ Nữ với chữ Sinh.
     Rất nhiều họ thời cổ đại ghi lại trong Thuyết văn giải tự đều viết với bộ Nữ như họ Khương được chú thích là họ của Thần Nông, đẻ ra ở Khương Thủy. Họ Cơ được chú thích là họ của Hoàng Đế, đẻ ra ở Cơ Thủy. Họ Diêu được chú thích là họ của Ngu Thuấn, đẻ ra ở Diêu Khư … và nhiều họ khác như họ Cất, họ Vân, họ Hào, họ Doanh…. Đó là những minh chứng cho thấy Tính (Họ) khởi nguồn từ xã hội mẫu hệ.
     Nói rằng “họ” là sản phẩm của xã hội mẫu hệ không có nghĩa là tất cả các “họ” đều có từ xã hội thị tộc mẫu hệ, xã hội phát triển thì “họ” cũng phát triển. Sau khi xã hội phụ hệ thay thế cho xã hội mẫu hệ, con cháu sinh sôi ngày một đông, một thị tộc chia thành nhiều chi, thì thường thường các con cháu có thể phân hóa thành nhiều họ.

Nếu như Tính bắt nguồn từ xã hội mẫu hệ thì Thị lại là sản phẩm của xã hội phụ hệ. Nhân loại từ bầy người nguyên thủy sang xã hội mẫu hệ là một bước phát triển lớn khiến chất lượng nhân khẩu được nâng cao đáng kể. Từ xã hội mẫu hệ phát triển sang xã hội phụ hệ, chế độ hôn nhân càng chặt chẽ hơn, con cháu ngày một sinh sôi nhiều hơn, sau khi những thế hệ con cháu độc lập thành những chi phái riêng, mỗi chi phái có ký hiệu riêng của mình, đó là Thị. Sau khi ra đời xã hội có giai cấp thì Thị chẳng những là ký hiệu phân nhánh của Tính mà còn là tiêu chí khu biệt địa vị thân phận của người đàn ông.
Sách Bạch hổ thông cho biết: Đặt ra thị để là gì ? Là để “quý công đức, tiện kỷ lực” hoặc là lấy chức quan là “họ”, hoặc lấy nghề nghiệp làm “họ”…con của bậc vương giả thì gọi là vương tử, cháu của bậc vương giả thì gọi là vương tôn, con của chư hầu thì gọi là công tử, con của công tử là công tôn. Các con của công tôn thì lấy tên tự của bố là Thị.

Phát triển đến đời Thương đời Chu, khanh đại phu có ấp phong thì lấy tên ấp phong làm họ hoặc lấy thụy hiệu của bố làm họ. Thế là dần hình thành một sơ đồ đẳng cấp trong quan hệ "Tính Thị": Trong nội bộ giai cấp quý tộc phân biệt cao thấp, người bình dân thì chỉ có Tính mà không có Thị, còn nô lệ thì chỉ có tên mà thôi. bởi thế quý tộc tiêu Tần , đàn ông gọi Thị, đàn bà gọi Tính. Sách vở gọi đó là: ”Tính biệt hôn nhân. Thị biệt quý tiện” nghĩa là Tính thì phân biệt huyết thống hôn nhân, Thị phân biệt sang hèn.
     Rất nhiều Thị bắt nguồn từ quan chức hay nghề nghiệp như Chúc Thị bắt nguồn từ chức sử là quan chép sử. Cung Thị bắt nguồn từ nghề chế cung nỏ.
     Lấy địa danh đất phong hoặc nơi cư trú làm họ (Thị) thì “họ” đều viết chữ có bộ ấp (tức là thành ấp) như các họ Uất, Dung, Đặng, Văn, Thuấn, Chí, Trịnh, Chu, Viêm, Ngạc, Trâu… hoặc bộ phụ như: Trần, Đào, Nguyễn, Hiệp, Lục, Thấp, Hình, Ngỗi. Lăng, Âm…
     Người xưa thường làm nhà tựa lưng vào vách núi, nhiều họ viết bằng bộ Thủy : Tất, Tảo, Kỳ, Phủ, Hoài, Cam, Trạm, Phan, Bộc, Tế, trí, Cấp, Tự….
     Ngày nay, các họ ở Trung Quốc có họ là Tính có họ là Thị ở thời cổ xưa. Nay không còn phân biệt Tính và Thị nữa. Việc xóa bỏ sự phân biệt Tính Thị xảy ra sau thời Tần.

Người Trung Quốc rất coi trọng “họ”, một phần quan trọng là do ảnh hưởng tư tưởng “kính tông pháp tổ” của Nho gia. Đổi họ có nghĩa là thay đổi tổ tông, đó là điều sỉ nhục lớn nhất. Cho nên viết sai họ của đối phương được coi là một sự xúc phạm.

Ý thức về dòng họ gắn liền với ý thức về tổ tông, theo sự nghiên cứu của các học giả về văn tự giáp cốt thì chữ Tổ thoạt đầu không có bộ thị, viết tựa như chữ Thà sau này. Còn trong kim văn sơ kỳ thì là chữ tượng hình, cái hình của bộ phận sinh dục nam tính, tượng trưng cho khái niệm tổ tiên, gắn liền ý thức sùng bái vai trò trọng yếu của người bố trong việc diện tục huyết thống của gia tộc, của dòng họ.
      Ở Trung Quốc có “họ” đơn (một âm tiết), lại có “họ” kép (hai âm tiết) như Âu Dương, Tư Mã, Tây Môn, Đông Quách, Đông Môn, Công Tôn, Công Dương, Bách Lý, Thuần Vu, Thiền Vu… Bảng “Bách gia tính” của Trung Quốc hiện nay cho một tổng số 926 họ.
      Về các dòng họ ở Hàn Quốc, nhiều học giả căn cứ vào sự ghi chép trong Tam Quốc sử ký và Tam Quốc di sự, cho rằng trong 6 họ : Lý, Thôi, Tôn, Trịnh, Bùi, Tiết do đời vua thứ 3 của Sin-La là Nho Lý Vương ban cho 6 bộ thôn (năm 32 sau CN) là thủy tổ của các họ ở Hàn Quốc. Còn ông Tô Tinh Hựu, Chủ tịch Hội Tộc phả họ Hàn Quốc thì cho rằng lịch sử các dòng họ ở Hàn Quốc phải đẩy lên sớm hơn rất nhiều thời thượng cồ. Hiện nay ở Hàn Quốc có cả thảy 274 họ, chia ra làm 3435 chi phái.
      Nước Anh có khoảng 16.000 họ
      Nhật Bản nhiều họ nhất với 100.000 họ, nhiều nhất thế giới (một tỉ dân Trung Quốcthì chỉ có khoảng đến 1.000 họ).
     Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác các dòng họ ở Việt Nam. P.Gourou (1930) nói ở đồng bằng Bắc bộ có 202 dòng họ. Dạ Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia Phả khảo luận và thực hành của ông ước tính “chỉ vào khoảng gần 300 họ”. Thật ra cũng còn xa mới có thể có được con số chuẩn xác. Trước mắt có thể hy vọng một số liệu về tổng số các họ đang dùng có tính đồng đại tại một thời điểm nhất định, ví dụ như cuộc điều tra dân số sắp tới chẳng hạn. Nhưng xét theo quan điểm lịch đại thì những con số ấy đều chỉ cò giá trị hết sức hạn chế. bởi vì những người mang cùng một họ như họ Nguyễn chẳng hạn chưa hẳn là đồng tôn và ngược lại, những người mang họ khác hiện nay lại rất có thể vốn là chung nhau một ông tổ. Kết quả “Tìm nguồn” gần đây cho biết bọ Mạc đã có người đổi sang các họ khác như: Bế, Bùi, Bùi Đăng, Bùi Đình, Bùi Thái, Bùi Trần, Cát, Chữ, Đặng, Đoàn , Đỗ, Hoàng, ...

Hình thái sớm nhất của tộc phả khởi đầu từ đế vương niên biểu hình thành trên cơ sở lấy hệ thống đế vương làm trung tâm. Về sau mới bắt đầu có tộc phả cá nhân.
      Tộc phả ở Trung Quốc ít nhất đã khởi đầu từ đời Chu, dần dần hưng thịnh ở đời Hán, đến Ngụy Tấn Nam Bắc triều do nặng ý thức về dòng dõi môn đệ nên nhà nước chọn quan lại, gia đình kén dâu rể đều lấy tộc phả làm căn cứ tham khảo mà trở nên cực thịnh. Sang đến đời Tống, Nguyên do chế độ khoa cử nghiêm ngặt, tính dòng dõi mới nhạt dần, tộc phả chủ yếu chỉ nhằm mục đích hòa mục yêu thương họ hàng. Đời Minh, Thanh có khuynh hướng từ tộc phả hướng sang giai sử, với yêu cầu “vô trưng bất tin” (không có chứng cứ thì không tin), phần nhiều soạn tộc phả theo bút pháp nâng giáo dục xã hội đề cao nhân tài, biểu dương thuần phong mỹ tục. Nói chung từ Tống, Nguyên về sau, nội dung ký sự của tộc phả đã gia tăng rất nhiều, bao gồm từ cội nguồn và các dòng phái “Tính thị” thế hệ tổ tiên, địa phương cư trú, từ đường từ sản, nghĩa điềm trang, tiên nhân truyện ký, thơ phú văn chương, gia huấn gia quy cùng mọi việc khác, trong gia tộc đều ghi chép cả, vì thế trở thành một kho tàng quý hóa của người xưa.
      Tộc phả Hàn Quốc khởi nguồn từ thời đại Tam Quốc (Cao Cú Lệ, Pei-xi, Si-la) mà bán đảo này, cũng bắt đầu bằng việc ghi chép hệ thống vương thất: Vương Đại Thực Lục của Kim Khoan Nghi và Duệ Nguyên Lục của Nhậm Cảnh Túc thời trung diệp Cao Lê, ghi chép tỷ mỷ các tôn tử và tôn nữ trong vương thất dưới dạng tộc phả.
      Gia phả học hay phả học (Généalogie, Genealogy) Châu Âu có thể coi là chính thức ra đời vào nửa sau thế kỷ XVI với các cuốn Lịch sử tổng quát các vương quốc Jêrusalem, Chypre, Arménie (1575 – 1579) khảo về nguồn gốc các vua chúa thân vương và các nhà đại quý tộc và Gia phả của 67 nhà quý phái đại gia Pháp và ngoại quốc(1586) của Delusignan, một nhà tu hành người Pháp ở vương quốc Chypre, phát triển ở thế kỷ XVIII cực thịnh ở thế kỷ XX. Các tác phẩm nổi tiếng trong ngành học này có thể kể: Nguồn gốc lịch sử dòng họ quý phái 20 tập của Gustave Chaix D’Est Ange xuất bản trong khoảng 1903 – 1929 khảo cứu hàng trăm dòng họ hiện hữu. Gia đình và phả hệ của Nam tước A.DeMaricourt năm 1943 và Phương pháp phê bình gia phả học của Tử tước De Marsay năm 1945.

Lịch sử còn ghi nhận các hội nghị Gia phả học quốc tế lần thứ nhất năm 1929 ở Barcelone, lần thứ hai năm 1953 ở Naples, lần thứ ba ở Madrid năm 1955 (lần này 408 học giả thuộc 76 tổ chức đến từ 31 nước).
      Tộc phả học Trung Quốc chính thức ra đời Nam Bắc triều với trước tác đồ sộ trong đó có thị tộc yếu trạng là Nhân danh thư của Giá Uyên tự là Hi Kinh người Tề Nam Triều.
      Tộc phả Hàn Quốc khá hoàn bị về thể chế và phương pháp ghi chép, đồng thời lại có mức độ phổ cập quốc gia rất cao, trên phạm vi thế giới, Hàn Quốc được coi là nước phát triển về tộc phả. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến Hội nghị Tộc phả học thế giới mùa hè năm 1991 tại Seoul có học giả trên 180 nước và khu vực tham gia.

Xét về khoa học nghiên cứu tộc phả và lịch sử gia tộc (Familyhistory) thì Trung Quốc có lịch sử lâu đời nhất, có hệ thống nhất, phải nói là đứng hàng đầu thế giới.
     Phả hệ của phương Đông luôn luôn lấy vị tổ tiên chung của cả họ (tộc) làm cội nguồn để viết cho đến thời điểm hiện tại, còn cách làm gia phả của phương Tây thì lấy bản thân là trung tâm mà truy ngược dần lên đến tổ tiên theo phương thức tìm nguồn.
    Hiện nay trong các trường đại học của Mỹ, nhiều trường đã đạt môn gia tộc sử hay lịch sử gia đình thành môn học riêng: Trường Đại học Rytgers, trường Đại học Los Angeles bang Califoina, trường Đại học Brigham Young…

Cơ quan lưu trữ gia phả lớn nhất hiện naycó lẽ là thư viện gia phả của nhà thờ Jésus Christ, Đức thánh ngày tận thế ở thành phố Salt Lake bang Yota với hơn năm trăm thư viện chuyên nghiệp và hơn 400 người tòng nghiệp tự nguyện không hưởng lương, bình quân hàng tháng trả lời trên 5000 lượt thư độc giả giải đáp các vấn đề liên quan đến gia phả, kho sách Microfilm và mỗi tháng bổ sung thêm khoảng 4.000 cuốn.
    Tại Seoul Hàn Quốc, năm 1993 chúng tôi đã có dịp đến thăm cơ sở của một trung tâm tộc phả học mang tên “Hồi tưởng xã”, tại đó chúng tôi phát hiện bộ gia phả 2 quyển này của Lý Long Tường ở Hoa Sơn. “Hồi tưởng xã” đã có lịch sử trên 40 năm, hiện lưu trữ khoảng 2250 cuốn gia phả, tộc phả.
    Việc nghiên cứu gia tộc sử ở Mỹ ngày nay dần dần với gia phả học. Một số trường Đại học của Mỹ xếp gia tộc vào trong phạm vi xã hội sử. Vì thế, nghiên cứu tộc phả và gia đình sử ở Mỹ theo hướng khoa học xã hội. Nghiên cứu tộc phả và gia truyện (lịch sử gia tộc ở Trung Quốc và ở Á Đông nói chung) ngoài ý nghĩa sử học ra còn đặc biệt chú trọng khía cạnh đạo đức luân lý.

Giáo sư Phạm Văn Các