Thi Thái học sinh (Tiến sĩ)
Thời nhà Trần thi Thái học sinh (cũng như thi Tiến sĩ đời sau). Lúc đầu thi Thái học sinh được chia làm Tam giáp (Nhất giáp, Nhị giáp ,Tam giáp) cho những người đỗ cao. Sau, đặt làm Tam giáp (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Năm 1246, định lệ cứ 7 năm tổ chức thi một lần nhưng cũng không thực hiện được lâu dài. Nội dung thi cử thì gần như đến những khoa thi cuối chúng ta mới thấy ghi chép trong chính sử. Vì vậy, không đủ tư liệu để so sánh nội dung thi cử thời Trần thay đổi ra sao trong suốt gần hai thế kỷ tồn tại. Những người đỗ trong các kỳ thi thì chính sử chỉ chép tên những người đỗ cao (Tam giáp, Tam khôi), số còn lại chúng ta không có thông tin gì hơn. Thứ tự các khoa thi và danh sách những người đỗ đạt chúng tôi căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) và cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919[2], tuy nhiên có những nhân vật trên cơ sở tư liệu cho phép, chúng tôi bổ sung đầy đủ hơn.
1. Khoa thi đầu tiên được tiến hành vào năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông.
Bắt đầu định lệ chia người đỗ đạt làm Tam giáp. ĐVSKTT chép: "Tháng 2 năm 1232, thi Thái học sinh. Đỗ Đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm, đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu, đệ tam giáp là Trần Chu Phổ"[3]. Có thể con số nho sinh đỗ đạt trên thực tế còn cao hơn nữa nhưng theo ghi chép của sử cũ thì chúng ta chỉ biết được tên của 5 người đỗ ở khoa thi này. Cách thi thế nào cũng không thấy sử cũ ghi chép.
- Trương Hanh, người xã Mạnh Tân, huyện Trường Tân. Nay thuộc xã Gia Lương, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương. Đỗ Đệ nhất giáp khoa thi 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Lưu Diễm, người xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa. Nay là thôn Vĩnh Trị xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Sách Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục chép Lưu Diễm còn có tên là Lưu Bính, em của Lưu Miễn, viễn tổ của Lưu Thành). Đỗ thứ hai Đệ nhất giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông. Sách Lịch huyện đăng khoa bị khảo chép ông đỗ năm 22 tuổi.
- Đặng Diễn, người làng An Để, huyện Thư Trì. Nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đỗ thứ nhất Đệ nhị giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông. Ông là cháu của Đặng Nghiêm. Sách Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục không ghi quê quán của ông.
- Trịnh Phẫu, người xã Hạ Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội. Đỗ thứ hai Đệ nhị giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Trần Chu Phổ, người làng Đan Nhiễm, huyện Tế Giang. Nay là thôn Đan Nhiễm, xã Văn Phúc, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Đỗ Đệ tam giáp khoa thi năm 1232, dưới triều vua Trần Thái Tông
2. Khoa thi thứ hai vào năm 1239.
ĐVSKTT chép: "Tháng 2 năm 1239, thi Thái học sinh. Đỗ Đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát, đệ nhị giáp là Ngô Khắc, đệ tam giáp là Vương Thế Lộc"[4] .
- Lưu Miễn, người xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa. Nay là thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là anh của Lưu Diễm, viễn tổ của Lưu Thành. Đỗ thứ nhất Đệ nhất giáp khoa thi năm 1239, dưới triều vua Trần Thái Tông. Năm 1250 được triều đình cử giữ chức An phủ sứ phủ lộ Thanh Hóa, lúc ấy ông đã được ban tước Minh tự, rồi làm quan đến chức Tả tư mã (chức quan võ cao cấp), có công trong việc đắp đê các nơi ở Thanh Hóa.
- Vương Giát, chưa rõ quê quán. Đỗ thứ hai khoa thi năm 1239 dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Ngô Khắc, có tài liệu chép là Ngô Thống, chưa rõ quê quán. Đỗ Đệ nhị giáp khoa thi năm 1239, dưới triều vua Trần Thái Tông.
- Vương Thế Lộc, chưa rõ quê quán. Đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm 1239, dưới triều vua Trần Thái Tông .
3. Khoa thi thứ 3 vào năm 1247.
Từ khoa thi này triều Trần bắt đầu lấy, đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (Tam khôi), hai khoa thi trước chỉ lấy đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp. Cũng từ khoa thi này, chúng ta mới biết được số người đỗ đạt cụ thể (48 người) nhưng chỉ chép tên những người đỗ tam khôi còn lại cũng không có thông tin gì hơn. ĐVSKTT chép: "Đinh Mùi năm thứ 16 (1247). Mùa Xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò.
Cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Lấy đỗ Thái học sinh 48 người cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ chia làm Giáp ất (nhất - nhì - NPC) chưa có tên tam khôi (tức trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa- NPC), đến đây mới đặt"[5]. Khoa thi này chỉ biết được họ tên của ba người còn 48 người kia không có tư liệu nào cho biết ( sách Lịch triều đăng khoa ghi đỗ chỉ có 40 người).
- Nguyễn Hiền, sinh năm 1235, chưa rõ năm mất, người xã Dương A, huyện Thượng Hiền. Nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm 1247 dưới triều vua Trần Thái Tông khi ông mới 13 tuổi.
- Lê Văn Hưu, sinh năm 1230, mất năm 1322, người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn. Nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1247 đời Trần Thái Tông. Năm 1272, dưới triều vua Trần Thánh Tông, ông được cử giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Lê Văn Hưu làm quan đến chức Binh Bộ thượng thư, tước Nhân uyên hầu. Ông là người chấp bút viết bộ sử Đại Việt sử ký. Sách ĐVSKTT chép: "Nhâm Thân (1272). Mùa Xuân, tháng Giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng. Cộng 30 quyển, dâng lên, vua xuống chiếu khen ngợi"[6]. Nhưng rất tiếc bộ sử này đến nay không còn toàn bộ, chỉ còn lại 30 đoạn luận được Ngô Sĩ Liên đưa nguyên văn vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư hiện còn đến nay. Khi mất Ông thọ 93 tuổi.
- Đặng Ma La, người xã Tốt Động, huyện Chương Đức. Nay là thôn Tốt Động (làng Kết), xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây(cũ). Ông đỗ Thám hoa năm 14 tuổi, khoa thi năm 1247 dưới triều vua Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Thẩm hình viện.
4. Khoa thi thứ tư vào năm 1256.
Từ khoa thi này, để khuyến khích các sĩ tử ở các vùng xa Kinh đô nhà Trần đặt ra lệ lấy đỗ hai trạng nguyên, một Trạng nguyên Kinh và một Trạng nguyên Trại. Tứ trấn ở miền Bắc gọi là Kinh, từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào gọi là Trại. ĐVSKTT chép: "Mùa Xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò, lấy Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên, Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên, Chu Hinh đỗ Bảng nhãn, Trần Uyên đỗ Thám hoa lang; lấy đỗ thái học sinh 43 người (Kinh 42 người, Trại 1 người), cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Khi mới dựng nước, số người thi đỗ chưa chia ra kinh trại, đỗ đầu gọi là trạng nguyên, đến đây chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có kinh trại khác nhau (Cương mục, quyển 6 chú Quốc Lặc là người huyện Thanh Lâm (châu Hồng); Trương Xán là người Hoành Sơn (châu Bố Chính); Chu Hinh là người huyện Tế Giang (lộ Bắc Giang); Trần Uyên là người huyện Đường Hào (châu Hồng)"[7]. Phan Huy Chú dẫn lại lời nhận xét của sử thần họ Ngô: "Đời nhà Trần...lấy Hoan ái làm các châu ở xa, giáo dục chưa được thấm nhuần, nhân tài không nhiều bằng ở các kinh trấn, cho nên mỗi khoa thi lấy người giỏi nhất về bên trại gọi là trại trạng nguyên, cho ngang hàng với kinh trạng nguyên để tỏ ý khuyến khích"[8].
- Trần Quốc Lặc, người xã Giang Hạ, huyện Thanh Lâm. Nay là thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Đỗ KinhTrạng nguyên khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Được kết hôn với công chúa. Sau được phong phúc thần.
- Trương Xán, sinh năm 1228, không rõ năm mất, người xã Hoành Bồ, huyện Hoành Sơn sau đổi là châu Bố Chính. Nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông đỗ Trạng nguyên Trại năm 29 tuổi khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Trương Xán làm quan đến chức Thị Lang, hàm Tự khanh.
- Trần Chu Hinh, người làng Đan Nhiễm, huyện Tế Giang. Nay là thôn Đan Nhiễm xã Văn Phúc, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Là anh của Trần Chu Phổ (đỗ Thái học sinh khoa thi 1232). Trần Chu Hinh đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện thị độc. Sách ĐVSKTT chỉ ghi tên của ông là Chu Hinh, nhưng sách Lịch đại đăng khoa cho biết ông họ Trần.
- Trần Uyên, người làng Liêu xá, huyện Đường Hào. Nay là thôn Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Dương. Đỗ Thám hoa khoa thi năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông. Làm quan đến chức đại học sĩ.
5. Khoa thi thứ 5 vào năm 1266.
"Tháng 3 (1266), mở khoa thi chọn học trò, lấy đỗ Kinh Trạng nguyên Trần Cố, đỗ Trại Trạng nguyên Bạch Liêu, đỗ Bảng nhãn không rõ tên, đỗ Thám hoa lang Hạ Nghi, đỗ thái học sinh 47 người, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. "[9]. Khoa thi này chúng ta chỉ biết được họ tên của ba người, người đỗ Bảng nhãn tiếc thay không rõ tên tuổi.
- Trần Cố, người xã Phạm Triền, huyện Thanh Miện. Nay là thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương. Trú quán tại xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn. Nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông thi đỗ Trạng nguyên Kinh khoa thi năm 1266, dưới triều vua Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Thiên chương các đại học sĩ.
- Bạch Liêu, người làng Nguyễn xá, huyện Đông Thành. Nay là xã Diễn Ninh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trú quan tại làng Nghĩa Lư, huyện Thanh Lâm, nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Là môn khách của Chiêu minh Đại vương Trần Quang Khải. Sách ĐVSKTT chép: "Liêu người Nghệ An, tính thông minh nhớ lâu, đọc sách 10 dòng một lúc. Bấy giờ Quang Khải quản châu Nghệ An, Liêu chỉ làm gia khách, không ra làm quan"[10]. Đỗ Trại Trạng nguyên khoa thi năm 1266, dưới triều vua Trần Thánh Tông.
- Hạ Nghi, người xã Hạ Lạc, huyện Thanh Lâm. Nay thuộc huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Đỗ Tham hoa khoa thi năm 1266, dưới triều vua Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Thị lang.
6. Khoa thi thứ 6 vào năm 1275.
Từ khoa thi này, nhà Trần lại bỏ Trạng nguyên Kinh, Trại mà chỉ lấy đỗ Trạng nguyên. ĐVSKTT chép: "ất Hợi, năm thứ 3 (1275). Mùa Xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò, lấy đỗ Trạng nguyên Đào Tiêu, đỗ Bảng nhãn không rõ tên, đỗ Thám hoa lang Quách Nhẫn, đỗ thái học sinh 27 người, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Trước đây hai khoa Bính Thìn và Bính Dần chia làm trạng nguyên kinh và trại, đến đây hợp lại làm một"[11].
- Đào Tiêu, người xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Khoa mục chí chép, Đào Tiêu ở xã Yên Hồ, huyện La Sơn. Nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh nghệ An. Đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1275, dưới triều vua Trần Thánh Tông. Sau khi mất được phong phúc thần.
- Quách Nhẫn, người xã Song Khê, huyện Yên Dũng. Nay là thôn Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Đỗ Thám hoa khoa thi năm 1275, đời Trần Thánh Tông. Làm quan đến chức Hành khiển.
7. Khoa thi thứ 7 vào năm 1304.
Chuẩn bị cho đợt thi này, trước đó 4 năm nhà vua xuống Chiếu cho các học trò trong nước gắng học tập để thi vào khoa sắp đến, "tháng 9 năm Kỷ Hợi (1299), xuống chiếu cho các học trò trong nước học tập để đợi khoa thi"[12]. Đây là khoa thi tập trung sĩ tử lớn nhất từ trước tới đó, "tháng 3 năm Giáp Thìn (1304), thi học trò trong nước, lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên làm thái học sinh hỏa dũng thủ, sung nội thư gia, lấy Bảng nhãn Bùi Mộ làm chi hậu bạ thư mạo sam, sung nội lệnh thư gia, lấy Thám hoa lang Trương Phóng làm hiệu thư quyền miện, sung nhị tư, lấy Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp, cả thảy 44 người thái học sinh; dẫn 3 người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng thành đi chơi đường phố ba ngày. Còn những người khác ở lại học tập cộng 330 người. Trung Ngạn mới 16 tuổi, đương thì gọi là thần đồng"[13].
Về cách thi, đến khoa thi này chính sử mới cho biết cách thức thi cử gồm 4 kỳ thi:
- Kỳ thứ nhất thi ám tả.
- Kỳ thứ hai thi kinh nghi kinh nghĩa.
- Kỳ thứ ba thi chiếu, chế, biểu.
- Kỳ thứ tư thi đối sách.
Chủ đề của mỗi kỳ như sau: "Trước thi ám tả thiên Y quốc và truyện Mục thiên tử để loại bớt. Thứ đến kinh nghi kinh nghĩa; đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) thì hỏi về " Vương độ khoan mãnh", theo luật "tài nan xạ trĩ"; đề phú thì dùng 8 vần "đế đức hiếu sinh, hiệp vu dân tâm". Kỳ thứ ba thì thi chiếu, chế, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách"[14]. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí chép tháng 11 năm ấy (tức năm 1304) có chiếu dùng bảy khoa để thi học trò trong nước. Nhưng Lịch triều hiến chương loại chí lại chép năm thi là 1305, theo tôi niên đại ghi trong ĐVSKTT đáng tin cậy hơn.
- Mạc Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu, người xã Lũng Động, huyện Chí Linh. Nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Từng là học trò của Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc. Đỗ Trạng nguyên trong khoa thi tháng 3 năm Giáp Thìn (1304), dưới triều vua Trần Anh Tông. Khi mới đỗ, vua Trần Anh Tông chê xấu, ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên để tự ví mình. Trong đó có câu: "không phải là bên trong trống rỗng không có gì: than cho số phận thuyền quyên gặp nhiều trắc trở. Nếu cái cuống lá của ta vẫn đứng thẳng, thì mưa gió có hại gì. Nhà vua xem xong khen hay, cất nhắc lên làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức nội thư gia. Mạc Đĩnh Chi không chỉ nổi tiếng học giỏi đỗ cao, danh tiếng "Lưỡng quốc trạng nguyên" lẫy lừng đương thời. Ông từng làm quan và hoạt động dưới 4 triều vua Trần: Trần Anh Tông (1293-1314), Trần Minh Tông (1314-1329), Trần Hiến Tông (1329- 1341) và Trần Dụ Tông (1341-1369) trong suốt gần 40 năm. Làm quan đến chức Nhập nội hành khiển Hữu ty Lang trung, Tả ty Lang trung đời vua Trần Minh Tông. Tác phẩm hiện còn 1 bài phú Hán được chép trong Quần hiền phú tập, 1 bài minh, 4 bài thơ được chép trong Việt âm thi tập và 1 bài phú Nôm Giáo tử phú được chép trong Thơ văn Lý- Trần, tập II, quyển Thượng. Tác phẩm ông viết sau khi đã chết lâm sàng 7 ngày, sau khi sống lại ông làm bài phú dạy con (còn được gọi là Giáo tử phú) thể hiện tình cảm sâu nặng của ông đối với con cái, gia đình.
- Bùi Mộ, hiệu Chuyết Trai, người xã Hưng Giáo, huyện Thanh Oai. Nay là thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Giáp Thìn (1304), dưới triều vua Trần Anh Tông. Khi mới đỗ được sung chức chi hậu bạ thư mạo sam (mạo sam: mũ và áo của chức bạ thư), sung nội lệnh thư gia. Tác phẩm hiện còn 1 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục.
- Trương Phóng, người Thanh Hóa. Trong sách Tam khôi bị lục dẫn lại sách Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo rằng, ở xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Lộc có Nguyễn Phóng. Có lẽ Nguyễn Phóng trong Vĩnh Lộc huyện chí và Trương Phóng được chép trong ĐVSKTT là một chăng?. Đỗ Thám hoa trong khoa thi năm 1304, dưới triều vua Trần Anh Tông. Làm hiệu thư quyền miện, sung nhị tư (quyền miện: mũ của chức bạ thư).
- Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), còn có tên là Cốt, người xã Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi. Nay là xã Thổ Hoàng, huyện Kim Thi, tỉnh Hải Dương. Đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1304, dưới triều vua Trần Anh Tông. Ông là một trong những nhân tài nổi tiếng của triều Trần, khi còn nhỏ đợc coi là thần đồng. Năm 1314, được triều đình cử đi sứ sang nước Nguyên. Năm 1323, vua Trần Anh Tông ngự về cung Trùng Quang có ý muốn xuất gia, làm bài thơ Chiêu ẩn (Rủ đi ở ẩn) cho Trung Ngạn, nhưng ông từ chối. Nguyễn Trung Ngạn từng giữ nhiều trọng chức của triều Trần, tháng 3 năm Nhâm Thân (1332), làm Nội mật viện phó sứ, giữ sổ sách ở nội sảnh cung Quan Triều. Tháng 7 (1332), làm tri Thẩm hình viện sự kiêm An phủ sứ Thanh Hóa, là người lập ra Bình doãn đường để xét kiện, nên việc kiện tụng được công bằng[15]. Năm Giáp Tuất (1334), Thượng hoàng Trần Minh Tôn tự cầm quân đi đánh nước Ai Lao thắng trận ở châu Kiềm (cũng gọi là châu Mật, ở Thượng lưu sông Lam, sau là huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An. Trung Ngạn là người đựơc Hoàng thượng sai mài sườn núi khắc chữ ghi công thắng trận. Tháng 9 năm Bính Tý (1336), Nguyễn Trung Ngạn làm An Phủ sứ Nghệ An, kiêm Quốc Sử viện giám tu quốc sử, hành Khoái châu lộ tào vận sứ. Trung Ngạn kiến nghị lập kho chứa thóc tô ruộng để chẩn cấp cho dân nghèo. Các lộ khác theo như thế mà làm. Đến năm Tân Tỵ (1341), Nguyễn Trung Ngạn làm Đại Doãn Kinh sư (nguyên trước ở Kinh sư đặt đại An phủ sứ, đến đây đổi làm đại Doãn), tức là người đứng đầu cai quản Kinh đô. Ông cùng với Trương Hán Siêu biên định bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư . Tiếc rằng đến nay không còn. Ông làm đến chức Hành khiển tri Khu mật viện sự (năm 1342), rồi Nhập nội hành khiển kiêm Khu mật viện vào năm 1351. Năm 1355, làm Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, nhập nội đại hành khiển, thượng thư hữu bật kiêm tri Khu mật viện sứ, thị Kinh diên đại học sĩ, trụ quốc khai huyện bá.
8. Khoa thi thứ 8 vào năm 1314.
Khoa thi này, chính sử chép rất vắn tắt nên không thể biết rõ ai đỗ và số người đỗ đạt là bao nhiêu. ĐVSKTT chép: "Mùa Đông, tháng 10, thi Thái học sinh, cho tước bạ thư lệnh, sai cục chính là Nguyễn Bính dạy bảo học tập, để sau này bổ dụng"[16].
9. Khoa thi thứ 9 vào năm 1345.
Cũng như khoa thi trên, chính sử không chép rõ số người thi đỗ là bao nhiêu, nên không thể khảo cứu được.
Nhưng về nội dung thi thì vẫn qua 4 kỳ với nội dung:
- Ám tả.
- Cổ văn.
- Kinh Nghĩa (nghĩa của Kinh Thi).
- Thi phú.
ĐVSKTT chép: "Mùa Xuân, tháng 3, thi Thái học sinh, phép thi dùng ám tả và cổ văn, kinh nghĩa, thi phú"[17].
10. Khoa thi thứ 10 vào năm 1374.
"Thi đình các tiến sĩ, cho Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thâm đỗ Thám hoa, cho bọn La Tu đỗ Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ; đều cho ăn yến và áo xấp, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Dẫn ba người đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày. Theo lệ cũ, Thái học sinh 7 năm một lần thi, lấy 30 người đỗ mà thôi. Thi Trạng nguyên thì không có định lệ nhưng thuộc quan ở tam quán, thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và người có tước phẩm đều được vào thi cả"[18]. Giống như khoa thi năm 1304, khoa thi này, ba người đỗ đầu đều được đi thăm phố phường ở Kinh đô trong ba ngày.
- Đào Sư Tích, con ông Tri thẩm hình viện sự Đào Toàn Mân, người xã Cổ Lễ, huyện Tây Chân. Nay là Thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Có sách chép ông người làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Trú quán thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú. Đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông. Từ thi Hương đến thi Đình, ông đều đỗ đầu. Làm quan đến chức Nhập nội hành khiển. Dưới triều Hồ Quý Ly ông bị giáng chức Trung thư thị lang, Đồng tri Thẩm hình viện sự. Sau khi mất được phong phúc thần. Gia phả ghi ông thọ 47 tuổi. Tác phẩm có bài Tựa sách Bảo Hòa điện dư bút của Trần Nghệ Tông (đến nay không còn) và 1 bài phú chép trong sách Quốc hiền phú tập.
- Lê Hiến Phủ, người làng Trí An, huyện Đông Triều. Nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông. Làm quan đến chức Thị lang. Ông mưu giết Hồ Quý Ly bảo vệ triều Trần nhưng việc bại lộ nên bị xử trảm.
- Trần Đình Thâm, người xã Phúc Đa, huyện Đông Triều. Nay là thôn Phúc Đa, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Là anh của Trần Đình Cận. Đỗ Thám hoa khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông, từng được cử đi sứ sang nước Minh. Làm quan đến chức Ngự sử trung tán, quyền Giám tu quốc sử. Khi triều Hồ thay thế triều Trần, ông giả điếc không ra làm quan.
- La Tu, người xã Bái Hà, huyện Thuần Hựu. Nay là thôn Bái Hà Xuân, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1374, dưới triều vua Trần Duệ Tông. Làm Tri phủ Thanh Hóa.
11. Khoa thi thứ 11 vào năm 1381.
"Mùa Xuân, tháng 2, thi Thái học sinh"[19]. Nhưng ĐVSKTT không chép rõ có bao nhiêu người đỗ chỉ chép ngắn gọn là vậy, nên không thể khảo cứu được.
12. Khoa thi thứ 12 vào năm 1384.
"Mùa Xuân, tháng 2, Thượng hoàng thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, cho bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh 30 người đỗ"[20]. Sau đó, số Tiến sĩ còn lại được điều vào làm thư sử ở cung Bảo Hòa, "Mùa Hạ, tháng 5, chọn số thái học sinh còn thừa lại cho làm thư sử ở cung Bảo Hòa"[21].
- Đoàn Xuân Lôi, người xã Ba Lỗ, huyện Tân Phúc. Nay là làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Giáp Tý (1384), đời Trần phế đế. Làm quan đến chức Trung thư hoàng môn thị lang kiêm tri ái châu thông phán. Chết tại chức.
- Hoàng Hối Khanh, người xã Bái Trại, huyện Yên Định (hay An Định). Nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Giáp Tý (1384), dưới triều vua Trần Phế đế. Về năm sinh của ông chỉ có sách Lịch đại đăng khoa ghi ông đỗ năm 23 tuổi. Nếu theo Lịch đại đăng khoa mà suy ra thì có thể ông sinh năm 1362. Từng làm quan trải các chức Tri huyện huyện Nha Nghi (nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Chính hình viện đại phu (năm 1391), An phủ sứ lộ Tam Đái (năm 1394), Phát vận ty (năm 1395). Sau khi triều Trần sụp đổ, Hoàng Hối Khanh làm quan cho triều Hồ, lãnh chức Thái thú Đông lộ, phụ trách việc đắp thành Đa Bang để chống giặc Minh; Hành khiển tả ty thị lang kiêm lĩnh Thái thú Thăng - Hoa. Năm 1405, Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm sứ giả phụ trách việc cắt đất (cát địa sứ), đã đem 59 thôn ở Cổ Lâu trả lại cho người Minh. Ông bị Hồ Quý Ly trách mắng tàn tệ vì trả đất nhiều quá. Năm 1407, giặc Minh đánh chiếm Thăng - Hoa, Hoàng Hối Khanh trên đường trở ra Bắc đã tự vẫn ở cửa biển Đơn Hay (cửa Hội).
13. Khoa thi thứ 13 vào năm 1393.
"Tháng 2 năm Quý Dậu (1393), thi Thái học sinh, cho bọn Hoàng Quán Chi, Lê Vị Tẩu, Mai Tú Phu, Đồng Thúc 30 người đỗ"[22].
- Hoàng Quán Chi, người xã Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm. Nay là thôn Hạ Yên Quyết, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Thượng thư Thẩm hình viện.
- Lê Vị Tẩu, người huyện Sơn Minh. Nay thuộc huyện ứng Hòa, Hà Nội. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Hàn Lâm.
- Mai Tú Phu, người huyện Thượng Phúc. Nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Thị lang.
- Đồng Thúc, chưa rõ năm sinh, mất năm 1407, người xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh. Nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu (1393) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Làm quan đến chức Thị lang. Khi triều Trần sụp đổ, ông ra làm quan cho triều Hồ. Năm 1402, Hồ Hán Thương cho giữ chức Ngự sử trung tán và ban cho họ Ngụy vì là người thẳng thắn, dám can gián vua nên được Hồ Hán Thương cho đổi làm họ Ngụy để ví với Ngụy Trưng triều Đường Thái Tông. Khi quân Minh đánh vào Thanh Hóa, cha con Hồ Quý Ly chạy vào cửa biển Điển Canh (ở huyện Tĩnh Gia), Ngụy Thức khuyên nên tự thiêu để khỏi bị bắt đã khiến cho Hồ Qúy Ly cả giận, chém chết ông vào tháng 6- 1407.
Thi lại viên (viên chức)
Có bốn khoa thi tuyển lại viên dưới triều Trần:
Khoa thứ nhất cuộc thi tuyển lại viên bằng thể thức công văn.
ĐVSKTT chép: "Mậu Tý, năm thứ 4 (1228), tháng 2, thi lại viên bằng thể thức công văn (bạ đầu sách). Người nào trúng tuyển thì sung làm thuộc lại ở các sảnh viện"[23]. Nhu cầu tuyển người làm việc ở các sảnh viện trong buổi đầu xây dựng vương triều là rất quan trọng. Chúng tôi xin dẫn số sảnh, viện thời Trần để có thể hình dung được phần nào số người cần tuyển qua các kỳ thi.
- Sảnh gồm có Trung thư sảnh (có Trung thư lệnh, thị lang, tả hữu gián nghị đại phu, tả hữu chính ngôn, tả hữu tham nghị, giữ việc đề nghị các việc lên vua và vâng tuyên mệnh lệnh); Môn hạ sảnh (vốn là quan triều cung hành khiển ty, đến đời Thiệu Phong thì đổi tên này, có các chức hành khiển, tả hữu ty lang trung, viên ngoại lang, giữ việc vâng theo lệnh chỉ của Thượng hoàng);Thượng thư sảnh (vốn là Thánh từ cung hành khiển ty, đến đời Thiệu Phong thì đổi tên này, có các chức hành khiển, tả phù, hữu bật, tả hữu bộc xạ, bộ thượng thư, tả hữu ty lang trung, viên ngoại lang, giữ việc vâng theo lệnh cỉ của Thượng hoàng) Bí thư sảnh (có bí thư giám, hiệu thư. Theo chế độ nhà Tống thì sảnh này giữ việc kinh tịch đồ thư, quốc sử thực lục, thiên văn nhật lịch; Nội thị sảnh (có các chức nội thị, thiên chương các học sĩ giữ việc hầu vua và tuyên chế lệnh).
- Viện gồm có Tuyên huy viện (có đại sứ và phó sứ; Theo chế độ nhà Tống thì Tuyên huy viện giữ sổ sách các ty các ban trong cung, cùng việc tế tự triều hội); Thẩm hình viện (có chức đại lý chính, khi tụng án đã thành, viện này định tội, lệ vào Hình bộ); Quốc sử viện (có đề điệu, giám tu quốc sử); Tập hiền viện (có học sĩ, cũng có Tập hiền điện); Hàn lâm viện (có các chức học sĩ, học sĩ thừa chỉ); Tam ty viện (đời Lý là đô hộ phủ sĩ sư, đời Trần sơ gọi là đô vệ phủ, đời Kiến Trung đổi tên này, lệ vào Ngự sử đài, xét đoán các án ngờ, có ba ty là Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính); Quốc học viện (do Thượng thư quản lãnh, giữ việc dạy học; cũng như Quốc tử giám của nhà Tống; Nội mật viện (tức là Khu mật viện của nhà Lý)[24].
Khoa thi thứ hai vào năm 1261:
"Thi lại viên bằng các môn viết và tính. Người đỗ sung làm duyện lại nội lệnh sử, các ty Thái y, Thái chúc khảo thí người nào tinh thông nghề ấy thì bổ vào chứ ấy"[25]. Những người làm việc trong Thái y ty chịu trách nhiệm chữa bệnh ở trong cung. Những người làm việc trong Thái chúc ty thì giữ việc lễ nhạc.
Khoa thi thứ ba vào tháng 3 năm Quý Mão (1363).
ĐVSKTT chép: "Tháng 3 thi các sĩ nhân bằng văn nghệ để sung vào các quán các. Thi lại viên bằng viết chữ để sung làm thuộc viên các sảnh viện"[26]. Nếu như khoa thi trước nội dung thi theo thể thức công văn thì đến khoa thi này thi bằng viết chữ, chứng tỏ các quan viên được tuyển vào các sảnh, viện thời Trần được triều đình chú trọng tuyển dụng với các hình thức khác nhau.
Khoa thi thứ tư vào năm 1393 và cũng là khoa cuối cùng để tuyển lại viên.
Thi tam giáo
Hai khoa thi được tổ chức vào các năm 1227 và 1247. Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt là Toàn thư) chép ngắn gọn: "Đinh Hợi, năm thứ 3 (1227).
Thi con các nhà tam giáo (nghĩa là những người nối nghiệp các nhà Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo -TG)"[27]. Và, "Mùa Thu, tháng 8 (1247), thi các khoa thông tam giáo, Ngô Tần (Tần người Trà lộ) đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (đều người Thanh Hóa), Vũ Vị Phủ (người châu Hồng) đỗ ất khoa"[28].
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét: "Đời Lý Trần, đều chuộng Phật giáo và Đạo giáo, cho nên buổi ấy chọn người muốn được thông cả hai giáo ấy, dù là chính đạo hay dị đạo, đều tôn chuộng không phân biệt, mà học trò đi thi khoa ấy (khoa tam giáo) nếu không học rộng biết nhiều thì cũng không đỗ được"[29].
Nhìn chung, khoa cử thời Trần phát triển hơn thời Lý. Các khoa thi được tổ chức nghiêm túc, người đỗ đạt đúng thực chất và đều được triều đình trọng dụng. Đây là nguồn nhân lực bổ sung vào bộ máy lãnh đạo đất nước thời Trần. Rất tiếc, chúng ta không đủ tư liệu để thống kê đầy đủ số người đỗ đạt và nội dung các kỳ thi được biết đến không nhiều. Sử thần họ Ngô nhận xét: "Phép thi cử nước ta có chia ra giáp và đệ là bắt đầu từ đây. Nhưng niên hạn chưa định, phép thi chưa rõ, vì bắt đầu xây dựng thì phải như thế. Về sau mới định hạn 7 năm một khoa, đặt ra tam khôi, điều lệ mỗi ngày một nghiêm ngặt, ân điển mỗi ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, nhân tài đầy rẫy, so với nhà Lý trước thịnh hơn nhiều, cũng do ở đó"[30].
Nguyễn Thị Phương Chi
Theo: Đề tài KX.O9.08